Sớm chừng nào, tốt chừng ấy!

Việc ban hành luật hỗ trợ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - thành phần quan trọng của nền kinh tế là rất cần thiết và cấp bách.
\"\"
Nhiều DN lớn hiện nay phát triển phải cần đến những sản phẩm được sản xuất từ các DNNVV

Vẫn còn khó khăn

Kết quả khảo sát được Nhóm công tác về hỗ trợ DNNVV Việt Nam (thuộc Khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI) vừa công bố cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 600.000 DNNVV, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Các DN này chiếm 41% nguồn thu ngân sách, 78% lao động và đóng góp 49% vào GDP.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù được ví như “xương sống” của nền kinh tế, song khu vực DNNVV lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Thiếu vốn, hạn chế về công nghệ, trình độ quản trị; chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho khu vực DNNVV còn hạn chế và chưa đủ mạnh để tạo cơ chế đột phá cho khu vực này phát triển… Thực tế này cũng khiến việc tiếp cận vốn của DNNVV càng trở nên khó khăn. Tỷ lệ vay vốn từ ngân hàng của các DN này chỉ chiếm khoảng 36%. Đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng DN gia nhập thị trường hàng năm rất nhiều, nhưng rời khỏi thị trường cũng không ít.

Năm 2016, cả nước có khoảng 110.000 DN đăng ký thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Tuy nhiên, cùng với đó, cũng có 73.000 DN ngừng hoạt động. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: DN gia nhập thị trường tăng cao cho thấy, môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, song, DN ngừng hoạt động vẫn còn lớn, chứng tỏ DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần được tháo gỡ.

Sớm ban hành Luật hỗ trợ DNNVV

Theo ông Hiroshi Arai - Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh nước ngoài - Cục DNNVV (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) - 99,7% DN hoạt động tại Nhật Bản là DNNVV. Khu vực DN này chiếm tới 70% tổng lao động làm việc tại các DN Nhật Bản.

Ông Hikaru Fukanuma - Chuyên gia kinh tế chính thuộc Viện Nghiên cứu chính sách tổng hợp (Công ty Tài chính Nhật Bản) - khẳng định: DNNVV đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế cũng như sự phát triển ngành công nghiệp Nhật Bản. Nhiều DN lớn hiện nay phát triển phải cần đến những sản phẩm được sản xuất từ các DNNVV. “Tại Nhật Bản, rất nhiều DNNVV chỉ có quy mô từ vài người đến vài chục người, nhưng đã cung cấp các linh, phụ kiện quan trọng để sản xuất ra những chiếc máy bay Boeing 777” - ông Hikaru Fukanuma nhấn mạnh.

Xác định tầm quan trọng của khu vực DNNVV, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những chính sách hỗ trợ từ rất sớm. Cụ thể, năm 1948, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Cục DNNVV; năm 1963 ban hành Luật cơ bản về DNNVV và tiếp tục tiến hành sửa đổi toàn diện Luật cơ bản về DNNVV vào các năm 1999, 2013.

Tại Việt Nam, Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến hoàn thiện và trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5 tới. Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá, đây là một bước tiến chính sách lớn đối với khu vực DNNVV Việt Nam. Ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết; càng ra đời sớm càng tốt với DNNVV Việt Nam cũng như sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

Song, để xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV mang lại lợi ích thiết thực cho DN và nền kinh tế, ông Hikaru Fukanuma cho rằng, cần phân chia DNNVV thành nhiều nhóm DN khác nhau. Mục đích của việc phân chia này sẽ giúp các cơ quan chức năng có những chính sách phù hợp nhất với từng loại hình DN để đạt được kết quả như mong muốn.

Ông Hikaru Fukanuma - Chuyên gia kinh tế chính thuộc Viện Nghiên cứu chính sách tổng hợp (Công ty Tài chính Nhật Bản):

Quá trình xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV, Việt Nam nên chú ý xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho DNNVV, vì đây là một trong những vấn đề DN rất yếu. Nếu không có sự hỗ trợ tốt, DN sẽ khó hoạt động hiệu quả.

Nguyễn Hòa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận