Khó khăn chồng chất, DN cần hỗ trợ
Tuy đối diện với làn sóng dịch Covid-19 kéo dài, song kinh tế TP. Hồ Chí Minh vẫn có những tín hiệu khởi sắc. Trong 5 tháng/2021 tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 456 ngàn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ; thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
![]() |
Trong những ngày qua TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 tại nhiều DN |
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch bùng phát trở lại, thành phố xuất hiện nhiều chùm lây bệnh và cho đến thời điểm hiện nay thành phố vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp lây nhiễm gia tăng hàng ngày.
Trước làn sóng lần thứ 4 này, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội từ đầu tháng 6/2021 và ngày 20/6 vừa tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10 với các biện pháp xiết chặt hơn giãn cách xã hội, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ.
Thực tế cho thấy, những ảnh hưởng từ dịch bệnh đến kinh tế thành phố là không nhỏ. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 1.365 DN gặp khó khăn do dịch bệnh, 42.500 công nhân, người lao động mất việc làm, 410 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân, 2.274 DN hoàn tất thủ tục giải thể, 9.308 DN tạm ngưng hoạt động...
Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA) - vừa qua, HUBA đã khảo sát nhanh trên 100 DN và cho thấy, trên 84% các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái dịch lần thứ 4. Trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%. Áp lực lớn nhất với DN hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất tăng cao làm sức cạnh tranh thị trường giảm. Gói hỗ trợ DN, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến DN, mức độ hấp thụ của DN rất thấp.
Cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hỗ trợ DN
Trong bối cảnh hiện nay vừa đảm bảo sản xuất, vừa phòng chống dịch, chính quyền thành phố và DN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hơn bao giờ hết.
Hiện thành phố có tổng cộng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với khoảng 1.330 DN đang hoạt động, sử dụng hàng trăm ngàn lao động. Từ đầu tháng 5/2021, UBND TP. Hồ Chí Minh cùng Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhằm đảm bảo cho DN hoạt động an toàn trong dịch bệnh. Ngoài tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, bố trí giãn cách, chia ca, áp dụng bộ chỉ số an toàn, DN còn đảm bảo sản xuất an toàn. Tại các DN đặt công tác phòng, chống dịch lên mức cao nhất với các phương án chống dịch chi tiết, cụ thể, bố trí làm việc online cho một số nhân viên, trang bị thiết bị nhận diện khuôn mặt và máy tầm nhiệt để làm tốt công tác sàng lọc, lập các phòng cách ly tạm thời để đáp ứng tình huống phát sinh trường hợp nghi nhiễm Covid- 19...
Để hỗ trợ DN trong và sau dịch Covid-19 trên địa bàn, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi DN tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước, xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động…
Riêng từ phía thành phố cũng tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ DN đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ về nguồn nhiên liệu, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chương trình mở rộng thị trường. Thành phố cũng có một số chính sách hỗ trợ DN, tổ chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch như chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động trong DN, hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, hỗ trợ chi phí tiêm vaccine...
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, lùi thời hạn đóng kinh phí công đoàn... Tăng mức trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên 80% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm... Ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi, khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)