Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) - thông tin, trong quý I, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018; riêng IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,1%. Kết quả sản xuất công nghiệp đạt được của quý I tuy thấp hơn một chút so với mục tiêu đề ra, nhưng nếu so với cả giai đoạn 2012 – 2017, con số này vẫn tương đối khả quan.
Bên cạnh đó, ông Hưng chia sẻ, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn cầu đang giảm tương đối sâu. Cụ thể, với Việt Nam, chỉ số này đã giảm từ 51,9 điểm còn 51,2 điểm. Khu vực ASEAN đã giảm từ 49,7 xuống 49,6 điểm. Cho nên, đặt trong bối cảnh chung, mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn là con số khả quan.
![]() |
Cơ cấu xuất khẩu quý I/2019 có sự thay đổi tích cực |
Về thương mại, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - chia sẻ, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) quý I/2019 ước tính đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,46 tỷ USD. Sau 3 tháng, thặng dư thương mại đạt 536 triệu USD.
Điểm nổi bật của hoạt động XK trong quý I là tăng trưởng của khối doanh nghiệp (DN) trong nước đạt 9,7%, cao hơn nhiều so với khối DN FDI (2,7%). Điều này cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã thực sự tác động và tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của DN.
Trong cơ cấu mặt hàng XK, nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông - lâm - thủy sản đã giảm khá như rau, quả, gạo, cà phê, cao su…; điện thoại và linh kiện - nhóm hàng XK chủ lực, trong quý I chỉ đạt 12 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Đây là những nguyên nhân tác động lớn đến con số XK chung của cả quý.
Hàng hóa nhập khẩu (NK) nhìn chung không có nhiều vấn đề đáng lo ngại, ngoại trừ NK mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2018. Bộ Công Thương đang tính đến việc xây dựng một hàng rào phòng vệ thương mại nếu như NK mặt hàng này tiếp tục tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến sản xuất ôtô trong nước.
Đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, suy giảm thương mại toàn cầu sau quý I đã ở mức sâu nhất trong 10 năm gần đây. Trong bối cảnh các nước xung quanh tăng trưởng XK âm, con số tăng trưởng của Việt Nam dù không cao như kỳ vọng đặt ra từ đầu năm nhưng cũng là kết quả khả quan. Thời gian tới, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh quá trình đàm phán mở cửa các mặt hàng hoa, quả sang Trung Quốc. Nếu không được mở cửa chính thức, XK từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Cùng với xuất nhập khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thị trường trong nước tăng đến 12% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng là 8,9%. Đây là con số tích cực cho thấy thị trường nội địa vẫn tăng trưởng tốt và đóng góp không nhỏ vào kinh tế chung cả nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần uấn Anh: Cần khẩn trương tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động xuất nhập khẩu quý I, tìm nguyên nhân, phân tích và đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. |