Bằng nhiều giải pháp đồng bộ như quảng bá, tuyên truyền, tổ chức hội chợ, kết nối cung - cầu hàng hóa, đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn…, Cuộc vận động \"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam\" (CVĐ) tại Hà Tĩnh đã dần đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Đặc biệt, các DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh đã ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng và CVĐ. Từ đó, coi trọng sản xuất các sản phẩm có chất lượng, đầu tư đổi mới công nghệ, mẫu mã, nỗ lực mở rộng thị trường và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Để thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước đến người tiêu dùng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách định hướng ưu tiên sử dụng hàng nội tỉnh, khuyến khích và tạo điều kiện cho DN, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất tại địa phương đẩy mạnh sản xuất, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
![]() |
Bà Lê Thị Khương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chế biến thủy hải sản Phú Khương - cho biết: Cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quy mô lớn để giới thiệu sản phẩm nước mắm chất lượng của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nhờ tham gia chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), nước mắm Phú Khương được làm mới về mẫu mã, dán tem truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng càng thêm tin tưởng sản phẩm của HTX. Nỗ lực để người dân ưa chuộng hàng nội tỉnh chính là cách HTX đồng hành cùng CVĐ. Theo đánh giá mới đây của Sở Công Thương Hà Tĩnh, các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng CVĐ bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng; thay đổi mẫu mã sản phẩm theo kiểu dáng công nghiệp; mở rộng hệ thống phân phối các sản phẩm địa phương; tham gia giới thiệu tại những triển lãm quy mô lớn…
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn năm 2018, Sở đã ban hành sửa đổi, bổ sung Quy chế hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn và đầu tư xây dựng mô hình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn. Đồng thời, triển khai xây dựng và hỗ trợ DN/HTX thực hiện 5 cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất, gắn với Chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới năm 2018. Đến nay, đã có 2 cửa hàng khai trương và đưa vào hoạt động, hỗ trợ 5 mô hình với 900 triệu đồng, xây dựng 4 chuỗi sản phẩm an toàn có xác nhận, gắn với dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc (2 chuỗi bưởi Phúc Trạch, 1 chuỗi cam Khe Mây và 1 chuỗi dưa lưới của HTX Nga Hải). Hiện, đang triển khai hỗ trợ 7 mô hình chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận. Dự kiến, cuối năm 2018, có 11 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - Sở sẽ tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; có chính sách hỗ trợ để DN, cơ sở sản xuất đồng hành cùng CVĐ; tạo điều kiện về thủ tục để DN tham gia các hội chợ, triển lãm có quy mô lớn; lựa chọn DN, cơ sở sản xuất đưa vào chương trình hỗ trợ vốn khuyến công; hỗ trợ tư vấn về đổi mới mẫu mã, hình thức sản phẩm.
Để CVĐ đạt hiệu quả hơn nữa, trước hết, bản thân DN tại địa phương phải đóng vai trò tiên phong. DN địa phương sản xuất sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý, chắc chắn sẽ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ủng hộ. |