Rà soát kỹ từng địa bàn, triển khai các phương án ứng phó thiên tai

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trong chương trình làm việc cùng Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) khi kiểm tra thực tế tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu từ ngày 14 đến 17/8/2018.
\"ra
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng làm việc về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu

Thiệt hại nặng nề

Trong những năm gần đây, tình hình thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT &TKCN các tỉnh phía Bắc từ đầu năm đến nay ở 4 tỉnh điển hình như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xảy ra nhiều đợt thiên tai, mưa lũ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây trong 8 tháng năm 2018 của tỉnh Điện Biên là 65 tỷ đồng; Sơn La 300 tỷ đồng; Lai Châu 522 tỷ đồng. Thiệt hại năng nề nhất phải kể đến tỉnh Hòa Bình ước tính lên tới trên 1.141 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, năm nay mưa lũ về sớm đã gây thiệt hại nặng nề cho Hòa Bình. Tổng số hộ bị ảnh hưởng do thiên tai là 741 hộ; 911 người; hàng nghìn nhà cửa bị hư hỏng; hàng nghìn ha hoa màu bị thiệt hại; hạ tầng giao thông thủy lợi bị hư hỏng. Hàng chục điểm giao thông bị ách tắc với số lượng đất đá sạt lở lên tới hàng chục m3. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh nhiều điểm trượt sạt mới, đe dọa tới tính mạng của người dân.

Không chỉ Hòa Bình gặp khó khăn về thiên tai, tỉnh Lai Châu cũng không nằm ngoài tình trạng trên, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT & TKCN Lai Châu, 8 tháng năm 2018, lũ quét, sạt lở đất đá, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Cụ thể 23 người chết; 14 người mất tích; 20 người bị thương. Tổng số 2.072 nhà bị thiệt hại, trong đó: 123 nhà sập hoàn toàn; 526 nhà bị hư hỏng, ngập nước; 1.423 nhà nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở... Hiện tại địa phương đã rà soát và tổ chức sơ tán khẩn cấp 253 hộ ở những vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

\"ra
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và đoàn công tác kiểm tra tình hình sạt lở, nứt đường 445, tại xóm Máy Giấy Dân Hạ, Kỳ Sơn- Hòa Bình

Những vướng mắc và kiến nghị

Trên thực tế, công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại 4 địa phương đều khó khăn, hiện kinh phí khắc phục thiệt hại năm 2017 chưa được bố trí đủ, trong khi đó đến năm 2018 ảnh hưởng của thiên tai tiếp tục thiệt hại nặng hơn.

Xung quanh vấn đề này, tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ liên quan hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai sau mưa lũ đợt cuối tháng 7/2018; hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn thực hiện các dự án di dân khẩn cấp để tỉnh Sơn La khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, ổn định đời sống của nhân dân vùng bị thiên tai năm 2017.

Đối với tỉnh Hòa Bình, gần một tháng trôi qua 35 hộ dân ở tổ 26, phường Đồng Tiến- TP Hòa Bình cần phải di dời khẩn cấp có 22 hộ đã nhận đất. Còn lại 13 hộ nằm trong vùng nguy hiểm về sạt lở vẫn đang chờ quy hoạch.

Lý giải về việc chậm tiến độ xây dựng dự án tái định cư cho 35 hộ dân khu vực sạt lở bờ sông thuộc phường Đồng Tiến, ông Nguyễn Thanh Huy- Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết, mặc dù dự án tái định cư cho 35 hộ đã được triển khai từ năm 2017 nhưng tiến độ thực hiện di chuyển người dân còn chậm do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như các khu vực sạt lở tại thành phố đều dọc QL 6, phần lớn có đất mặt đường thuận tiện cho việc sản xuất, kinh doanh, khi phải di chuyển là điều khó khăn cho các hộ dân.

\"ra
Kiểm tra tình hình công tác khắc phục sạt lở tại khu vực đồi Ông Tượng khu vực tổ 4, phường Thái Bình; tổ 4, 5, 6 phường Chăm Mát, TP. Hòa Bình

Cùng chung vướng mắc trên, ông Trần Hà Sơn- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Tỉnh Điện Biên- Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN Điện Biên cho biết thêm, tại Điện Biên nhiều điểm dân cư có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét nhưng chưa được di dời do khó khăn về kinh phí. Cơ sở hạ tầng của một số điểm dân cư còn yếu và thiếu, đặc biệt đường giao thông và công trình kè bảo vệ khu dân cư, đất sản xuất nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đe dọa tính mạng, tài sản của nhà nước và của nhân dân.

Liên quan đến vấn đề an toàn thủy điện trong mùa mưa lũ ông Hoàng Trọng Nam- Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La kiến nghị, Bộ Công Thương nên chủ trì với Bộ Tài nguyên và Môi trường cụ thể hóa các pháp lệnh khí tượng thủy văn, tăng mật độ hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn khu vực các tỉnh Tây Bắc, đáp ứng yêu cầu cảnh báo thiên tai, giúp các địa phương, đơn vị chủ động phương án PCTT. Ông Hoàng Trọng Nam tổng kết, trong quá trình vận hành hồ thủy điện nếu trông cậy vào mạng quan trắc thông tin quốc gia có lúc chuẩn, có lúc không chuẩn.

Như năm ngoái dự báo lưu lượng về hồ Sơn La là 5000m3/s, nhưng thực tế đỉnh lũ về 12.000m3/s. Hòa Bình dự báo về 9000m3/s, nhưng lũ về 15.000m/s. Dự báo không chính xác, sẽ rất khó cho công tác PCTT. Hiện từ Thủy điện Sơn La về đập Hòa Bình gần 200 km, mà chỉ có 5 trạm đo mưa quan trắc, nên gần như không kiểm soát được lượng mưa. Chúng tôi đã báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng bổ sung trạm quan trắc trên toàn bộ hạ lưu Sông Đà”- ông Hoàng Trọng Nam bày tỏ.

\"ra
Thứ trưởng thăm và làm việc tại Nhà máy thủy điện Lai Châu

Bộ Công Thương chủ động các phương án

Nhằm xây dựng kế hoạch PCTT, ông Phạm Trọng Thực- Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đề nghị, thời gian tới, các tỉnh cần chủ động trong việc ứng phó với diễn biến mưa bão, lũ lụt. Đối với các công trình thủy điện, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương, các chủ hồ có liên quan trong công tác vận hành hồ chứa, đặc biệt là vận hành xả lũ; rà soát, bổ sung phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập năm 2018, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đàm Quang Hưng - Phó ban an toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho rằng: “Hiện địa bàn 27 tỉnh do Tổng công ty quản lý luôn chủ động được việc khắc phục sự cố do thiên tai gây ra, bổ sung thêm phương án huy động các đơn vị lân cận để cùng hỗ trợ đảm bảo cung cấp điện ổn định, trong thời gian sớm nhất”.

\"ra
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thăm và làm việc tại Nhà máy thủy điện Sơn La

Liên quan đến công tác dự trữ hàng hóa phục vụ PCTT &TKCN, ông Đỗ Trọng Hiếu- Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ công tác PCTT năm 2018. Dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư đầy đủ, cung cấp kịp thời bảo đảm không để xảy ra khan hiếm hoặc tăng giá hàng hóa, kể cả những khu vực bị bão lũ chia cắt.

Theo đó, các Sở Công Thương 4 tỉnh đều có phương án dự trữ hàng hóa phục vụ PCTT &TKCN. Đại diện Sở Công Thương Điện Biên cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch và chủ động dự trữ các mặt hàng thiết yếu; tổ chức phân bố hợp lý xuống các địa bàn, sẵn sàng phục vụ trong mọi điều kiện thời tiết. Đến nay các doanh nghiệp dự trữ ước trị giá hơn 20 tỷ đồng bao gồm các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, nước uống đóng chai, xăng E5, dầu diesel, dầu hỏa, tôn lợp…

\"ra
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thăm, động viên và tặng quà 8 hộ gia đình bị sạt lở mất nhà tại huyện Mộc Châu – Sơn La

Để thực hiện tốt nhiệm vụ PCTT&TKCN, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cần tiếp tục phát huy phương châm \"4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) chủ động triển khai những biện pháp hiệu quả ứng phó với thiên tại, mưa lũ. Thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết; thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn công trình, nghiêm túc quy trình vận hành bảo đảm an toàn hồ các hồ chứa trong mùa mưa lũ… giảm thiểu thiệt hại thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống người dân.

Các địa phương cần sớm xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du chủ động nâng cao công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt để đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ ngày càng đòi hỏi phải chính xác và kịp thời hơn. Huy động các nguồn lực để đầu tư tăng các trạm đo mưa, mực nước tự động, nhất là đối với các vùng thường xuyên bị ngập lũ, sạt lở đất.Rà soát kỹ từng địa bàn, triển khai các phương án ứng phó nhanh và hiệu quả”- Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các đơn vị trực thuộc ngành Công Thương thực hiện nghiêm túc luật, quy định về quản lý an toàn điện; kiểm tra, rà soát các công trình trước và sau bão, lũ để kịp thời khắc phục sự cố nếu có; các công trình thuỷ điện phải thực hiện nghiêm các quy định về vận hành liên hồ, đơn hồ.
Lan Anh - Cấn Dũng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận