Trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm đặc trưng
Hoạt động của cửa hàng là một trong các nội dung của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh đến với du khách.
Trong ngày khai trương, cửa hàng trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm đặc trưng của 22 cơ sở sản xuất trong tỉnh. Các mặt hàng trưng bày trong cửa hàng đa dạng và phong phú như gạo thơm, gạo thực phẩm chức năng ST, gạo Tài Nguyên Thạnh Trị; hành tím Vĩnh Châu; các sản phẩm chế biến từ trái cam xoàn, mãng cầu gai; các loại tinh dầu chiết xuất từ thảo mộc; các sản phẩm tinh chế từ đông trùng - hạ thảo, tổ yến; các sản phẩm chế biến từ sữa bò; các loại cá khô, khô trâu, mắm cá… Các sản phẩm đều có bao bì, nhãn hiệu bắt mắt và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, cửa hàng tiếp tục bổ sung các đặc sản khác của tỉnh như nhóm trái cây, kẹo, bánh pía, lạp xưởng…
![]() |
Các gian hàng OCOP luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng |
Tập trung vào 5 nhóm sản phẩm
Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 33 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó 22 sản phẩm nhóm thực phẩm; 2 sản phẩm đồ uống; 2 sản phẩm thảo dược; 4 sản phẩm giày và may mặc; 3 sản phẩm nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí. Có 31 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 27 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Sóc Trăng xác định, thực hiện Đề án OCOP là giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn liền với chuỗi giá trị gia tăng. Đồng thời, đây là chương trình khuyến khích cộng đồng địa phương phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, chương trình đã giúp hình thành các chuỗi liên kết khép kín đối với các sản phẩm chủ lực, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đề nghị các huyện, thị, thành phố chủ động đề xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền về OCOP đến cán bộ, người dân, chỉ đạo tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ dân phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin để đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát đăng ký tham gia Chương trình OCOP… Đầu tháng 1/2019, Hội đồng thẩm định Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng năm 2030 cũng đã thống nhất thông qua đề án. Theo đó, Đề án OCOP thực hiện tại tất cả 109 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Sóc Trăng với nguồn vốn thực hiện dự kiến là 667,67 tỷ đồng. Chương trình OCOP Sóc Trăng tập trung vào 5 nhóm sản phẩm, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Thông qua chương trình này, việc phát triển các hình thức tổ chức liên kết sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác được đẩy mạnh và nhanh hơn…