Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của năm bản lề

Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -  hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019. Dù ghi nhận những kết quả đã đạt được, song Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2019

Kinh tế - xã hội những tháng đầu năm ổn định, phát triển

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực phấn đấu cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2019. Cũng vì vậy, trong nghị trình kỳ họp này, ngoài các nội dung về xây dựng pháp luật, thực hiện công tác giám sát tối cao, Quốc hội sẽ dành thời lượng đáng kể để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo cho năm 2019.

\"quyet
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2019 rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Tại phiên khai mạc, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, xác định rõ tầm quan trọng của năm bản lề, bước sang năm 2019, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 với phương châm \"kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả\" trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội.

Về kết quả trong những tháng đầu năm nay, Phó Thủ tướng nêu rõ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua.

Cùng đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển… đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận.

Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo Chính phủ cũng thẳng thắn đề cập đến nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn; dịch tả lợn châu Phi lan rộng và tình trạng nắng nóng, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống… Ngoài ra, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp ở một số địa phương; còn nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.

Quyết tâm hoàn thành những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2019

Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả và khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2019, Chính phủ kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

\"quyet
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: Chính phủ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mở rộng thị trường. Trong 7 nhóm giải pháp, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp có kế hoạch, giải pháp cụ thể tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại - coi đây là chìa khóa, là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển mạnh hạ tầng viễn thông, Internet băng thông rộng, sớm đưa vào hoạt động mạng di động 5G...

Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế cũng là giải pháp sẽ được Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành các kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đòng thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ...

Thẩm tra báo cáo nêu trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những kết quả nổi bật trong điều hành KT-XH những tháng đầu năm 2019 song cho biết, Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề trọng tâm. Cụ thể là tình hình sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu chững lại nên cần xem xét, đánh giá khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành này. Bên cạnh đó, việc thiếu các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia, việc tham gia của DN cơ khí, hỗ trợ vào sản xuất của một số tổ hợp sản xuất mới còn rất thấp.

Trong khi đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi và thời tiết không thuận lợi, hạn hán xuất hiện sớm ở một số khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống, công tác dự báo cung, cầu còn bất cập.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý Chính phủ về tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật còn tồn tại và đề nghị Chính phủ cần đánh giá chính sách ưu đãi với doanh nghiệp FDI, để hoàn thiện chính sách thu hút vốn ngoại. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức giảm nhưng còn cao, gia nhập thị trường khó khăn; doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn và tiếp cận vốn hạn chế; vấn đề chuyển đổi số tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số chưa được triển khai… cũng được Báo cáo thẩm tra của Quốc hội nhắc đến bên cạnh những lo ngại về chỉ số giá tiêu dùng; về vốn đầu tư toàn xã hội; về những hạn chế trong lĩnh vực ngân hàng; về tình hình hoạt động doanh nghiệp có dấu hiệu chậm lại… và đề nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm tra các Bộ, ngành để bảo đảm hiệu quả công tác chỉ đạo, diều hành.

Về một số mặt hàng thiết yếu tăng vừa qua, như: giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế..., Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường dự báo, đánh giá đầy đủ và cảnh báo, đưa ra phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp; đánh giá toàn diện việc tăng giá xăng, điện tác động tới phát triển kinh tế xã hội.

Hoàng Châu - Lan Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận