Ngày 4/6/ UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Phân tích chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT tỉnh Quảng Ninh và công bố kết quả các chỉ số của sở, ngành, địa phương năm 2019.
Theo đó, tổng điểm của chỉ số PAR INDEX tỉnh Quảng Ninh đạt được là 90,09/100 điểm, tăng 1,03 điểm so với năm 2018 và là địa phương duy nhất nằm trong nhóm đạt điểm xuất sắc. Chỉ số SIPAS tỉnh Quảng Ninh đạt 95,26% và lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng toàn quốc và cao hơn so với kết quả đánh giá năm 2018 của tỉnh là 4,11%. Các chỉ số SIPAS, chỉ số PAPI tỉnh Quảng Ninh năm 2019 có sự cải thiện, tiến bộ rõ rệt và có sự bứt phá về điểm số cũng như thứ hạng, chỉ số PAPI năm 2019 của tỉnh Quảng Ninh đã đạt 44,66 điểm và vươn lên đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
![]() |
Cùng với 3 chỉ số trên, chỉ số ICT của tỉnh Quảng Ninh năm 2019 cũng có sự cải thiện sau 4 năm liên tiếp đứng ở vị trí thứ 4 bảng xếp hạng thì năm 2019 đã vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc với 0,735 điểm, tăng 0,0954 điểm so với năm 2018. Chỉ số ICT được đánh giá ở 3 thành phần chính gồm: Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.
Kết quả này cho thấy những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong công tác CCHC, quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, đôn đốc giám sát trong tổ chức triển khai hiệu quả các chỉ đạo, sáng tạo, đổi mới trong triển khai các giải pháp, qua đó củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của tỉnh.
Tại hội nghị, các chuyên gia của Bộ Nội vụ, Hội tin học Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã phân tích các chỉ số PAR INDEX, PAPI, ICT của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong năm 2019, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị để tỉnh duy trì, giữ vững thứ các chỉ số đã đạt được trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ CCHC |
Đáng chú ý, về chỉ số cải cách hành chính ở khối các sở, ban, ngành năm 2019: Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị đạt điểm cao nhất, tiếp đó là Sở Xây dựng. Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị đạt điểm thấp nhất. Về khối uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Đứng đầu là thị xã Đông Triều, TP. Uông Bí đứng thứ 2, huyện Đầm Hà đứng thứ 3. Khối cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh: Cục Hải quan tỉnh là cơ quan đạt điểm cao nhất; Cục Thuế tỉnh là đơn vị đứng thứ 2. Điểm trung bình đạt được của chỉ số cải cách hành chính các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 89,27 điểm.
Năm 2019, kết quả đánh giá chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2019 cho thấy tỷ lệ hài lòng trung bình là 93,46%. Kết quả SIPAS 2019 của các sở, ban, ngành có tỷ lệ hài lòng trung bình là 92,31%, trong đó Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị đứng thứ nhất với tỷ lệ đánh giá hài lòng là 94,54%. Thanh tra tỉnh là đơn vị có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất trong các sở, ban, ngành với tỷ lệ hài lòng 85,88%.
Tỷ lệ hài lòng chung đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố là 93,62%, trong đó TP. Hạ Long là đơn vị có tỷ lệ đánh giá hài lòng cao nhất với 95,17. Huyện Bình Liêu là đơn vị có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất với 91,71%.
Đối với các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ đánh giá hài lòng chung là 94,65%, trong đó Công an tỉnh là đơn vị có tỷ lệ đánh giá hài lòng cao nhất với 95,71% . Cục thuế tỉnh là đơn vị có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất với 93,37%.
Về kết quả đánh giá chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện năm 2019 cho thấy, giá trị trung bình chỉ số DGI của 13 huyện/thị xã/thành phố đạt được là 83,93%. Qua kết quả tổng hợp, phân tích các nội dung chỉ số DGI năm 2019 cho thấy các chỉ số nội dung đều đạt điểm khá cao, đồng thời kết quả năm 2019 cũng chỉ ra TP. Hạ Long là đơn vị có kết quả đánh giá chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện cao nhất, đứng thứ 2 là huyện Tiên Yên, đứng vị trí thứ 3 là thị xã Quảng Yên, huyện Cô Tô là đơn vị có kết quả đánh giá thấp nhất với vị trí 13/13 huyện, thị xã, thành phố.
Đặc biệt, về đánh giá mức độ chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành được đánh giá dựa trên 3 nhóm tiêu chí. Trong đó nhóm tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật đạt điểm cao nhất 98%, nhóm tiêu chí về ứng dụng đạt thấp nhất 70%. Mức độ chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành đạt ở mức khá với 73,83 điểm/100 điểm cao hơn 5 điểm so với năm 2018.
Đánh giá mức độ chính quyền điện tử cấp huyện cho kết quả điểm trung bình năm 2019 đạt được 128 điểm/170 điểm, đạt 75% so với yêu cầu của Bộ tiêu chí, điểm trung bình năm nay cao hơn 7 điểm so với điểm trung bình năm 2018 (tăng 5%). TP. Uông Bí là đơn vị đạt điểm cao nhất 154 điểm/170 điểm, đạt 90%.
Năm 2019 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đánh giá mức độ chính quyền điện tử đến 100% đơn vị cấp xã. Mức độ chính quyền điện tử của các đơn vị cấp xã đã đạt mức tiệm cận mức độ khá, đạt điểm trung bình 59 điểm, tăng gần 43% so với năm 2018. Đây là kết quả cao so với mặt bằng trung toàn quốc.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Kết quả của các chỉ số cũng phản ánh được niềm tin, sự kỳ vọng lớn hơn của người dân và doanh nghiệp đối với hệ thống chính trị trong tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, cũng như hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh với những yêu cầu cao hơn; nội dung phù hợp với xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế phân cấp, phân quyền, uỷ quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương các cấp.
![]() |
Tại hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên dương, khen thưởng 44 tập thể và 31 cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần nâng cao các chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT và đạt kết quả cao về mức độ chính quyền điện tử cấp sở, cấp huyện, cấp xã năm 2019.