6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội Quảng Ninh gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Quảng Ninh là một trong 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất bởi làn sóng dịch thứ 3). Dù vậy, với sự chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh, cộng với nỗ lực lớn của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện “mục tiêu kép”, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Quảng Ninh đã đạt 8,02% (cùng kỳ năm trước tăng 4,26%) - mức cao so với bình quân của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 38,95%, vượt 17,6 điểm % kịch bản, là động lực tăng trưởng chính.
![]() |
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành than |
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng (kịch bản đề ra 9,3%). Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 10%, đòi hỏi tăng trưởng quý III phải ở mức 10,6%, quý IV 12,4%. Trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát nghiêm trọng ở nước ta và diễn biến rất phức tạp. Các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Quảng Ninh như ngành than, du lịch, lữ hành, lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, nhiều doanh nghiệp và khu vực dân doanh gặp khó khăn. Đây có thể nói là mục tiêu quá khó, sức ép lớn “đè” nặng đối với Quảng Ninh trong thực hiện tăng trưởng kinh tế thời gian từ nay đến cuối năm.
Trong bối cảnh ấy, tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên định các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phấn đấu 6 tháng cuối năm tăng trưởng GRDP đạt tối thiểu 11,78%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 55.000 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 31 nghìn tỷ đồng, để bảo đảm cả năm 2021 tăng trưởng GRDP trên 2 con số (thấp nhất 10%) và tổng thu ngân sách không dưới 51 nghìn tỷ đồng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, tình hình dịch bệnh từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, Quảng Ninh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội, dư địa để phát triển, vì địa phương có tiềm năng lợi thế về diện tích các khu công nghiệp, khu kinh tế, hệ thống giao thông kết nối, hệ thống cửa khẩu, cảng biển... Bởi vậy, Quảng Ninh phải tập trung tháo gỡ khó khăn, gia tăng phát triển ở những lĩnh vực này. Đáng chú ý, duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế tạo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đúng lộ trình và nâng cao chất lượng các dự án, công trình động lực, chiến lược, có ý nghĩa đòn bẩy.
Để tháo gỡ khó khăn cho các ngành kinh tế trọng yếu, nhất là ngành than , ông Cao Ngọc Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - đề xuất: Chỉ tiêu đạt 45,5 triệu tấn than sạch, cần có sự kiểm đếm thường xuyên và kế hoạch chi tiết, cụ thể, rõ ràng từ doanh nghiệp. Đối với ngành điện, Bộ Công Thương giao đầu năm 35 tỷ kWh, trong kế hoạch đã xác định đạt 38,5 tỷ kWh. Để đạt được kế hoạch đề ra, cần phải có kế hoạch chi tiết, làm rõ phần chênh lệch này giao ở đâu, cần chỉ rõ địa chỉ là nhà máy điện nào, lộ trình phát triển như thế nào?
Khắc phục chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm bù đắp một phần cho tăng trưởng kinh tế, do ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch, tuy nhiên, đến hết tháng 6/2021, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước mới đạt trên 38% kế hoạch. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quyết liệt, có chế tài xử lý đối với người đứng đầu, chủ đầu tư, nhà thầu để giải ngân vốn chậm tiến độ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy cho rằng, các địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, giám đốc các ban dự án phải có chế tài xử lý thích hợp. Do đó, từ nay đến cuối năm, các chủ đầu tư cần tăng cường trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 30/9, phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn theo đúng quy định của pháp luật.
Ông NGUYỄN XUÂN KÝ - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh: Quảng Ninh coi khó khăn, thách thức là động lực; tận dụng mọi cơ hội trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế trụ cột tăng trưởng… |