Tính đến tháng 2/2020, tình hình xuất nhập khẩu của Quảng Ngãi vẫn tăng trưởng hơn cùng kỳ năm 2019, với khoảng 1,6 triệu tấn hàng hóa qua cảng, thu về kim ngạch 256 triệu USD, thu nộp ngân sách gần 800 tỷ đồng (tương đương với hơn 28% kế hoạch năm). Một số DN hoạt động xuất khẩu tăng mạnh như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thép Hòa Phát, Doosan Vina và hầu như các DN này ít chịu sự tác động từ thị trường Trung Quốc do dịch Covid-19 gây ra.
Theo ông Hà Đức Thắng - Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi - hiện nay, việc tạm thời cấm nhập cảnh đối với công dân một số nước đang có dịch Covid-19 đã khiến không ít DN ở Quảng Ngãi, đặc biệt là ở KKT Dung Quất và VSIP gặp khó khi không có đủ nguồn nhân lực.
“Ảnh hưởng lớn nhất là Nhà máy thép Hòa Phát. Nguyên vật liệu của nhà máy có thể đảm bảo sản xuất từ 6-12 tháng, tuy nhiên Hòa Phát còn 700 chuyên gia chưa nhập cảnh vào Việt Nam. Giải pháp trước mắt là các chuyên gia trên cũng đã làm việc online, trực tuyến hỗ trợ sản xuất” - ông Thắng cho hay.
Về vấn đề này, ông Thắng đề nghị một số chuyên gia đến từ các nước có dịch bệnh đang ở Quảng Ngãi đã hết thời gian cách ly, nên tạo điều kiện gia hạn visa để bù đắp lại lượng chuyên gia thiếu hụt.
Được biết, một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tồn kho, sản xuất cầm chừng, tiền xoay vòng chậm và nợ ngân hàng mỗi ngày một gia tăng. Thời gian qua, nhằm giúp doanh nghiệp và nhà sản xuất vượt qua những khó khăn thách thức, tỉnh Quảng Ngãi cùng chung tay chủ động, tích cực đề ra các giải pháp kịp thời hỗ trợ các DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt khó.
![]() |
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi |
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi - cho hay, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh ổn định trước tình hình dịch Covid-19. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh sẵn sàng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng. Đến cuối tháng 2/2020, bước đầu khoảng 2.500 tỷ đồng dư nợ tín dụng có tác động do dịch covid-19. Tập trung vào 10 lĩnh vực kinh tế, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, vận tải bị ảnh hưởng cao nhất.
Theo Sở Công Thương Quảng Ngãi, ngoài những tác động về công nghiệp, ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn gây khó khăn cho tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng lớn đến các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và vận tải. Trước tình hình trên, Sở Công Thương đã chủ động tích cực tìm nguồn tiêu thụ cho sản nông sản, chủ yếu là dưa hấu.
Ông Võ Đình Trà - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi - cho hay, hiện nay, tình trạng xuất khẩu nông sản của tỉnh có sự ảnh hưởng nhất định từ thị trường Trung Quốc do dịch Covid-19. Sở Công Thương đã thống kê, báo cáo với tỉnh, Bộ Công Thương về số lượng dưa hấu, ớt khả năng bị tồn đọng lên đến hơn 40.000 tấn và chờ đợi kết quả tháo gỡ, kết nối xuất khẩu từ Trung ương.
“Sở Công Thương Quảng Ngãi cam kết, nếu DN nào tìm được thị trường xuất khẩu cho các nông sản này, Sở sẵn sàng làm cầu nối, phối hợp giải quyết nhanh gọn thủ tục để hoạt động thu mua, xuất khẩu nông sản được nhanh chóng. Về phía DN, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng xuất khẩu, làm tiền đề để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc” - ông Trà cho biết thêm.
Vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cũng đã có nhiều chỉ đạo kịp thời giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đối với vấn đề về nguồn lực lao động, ông Bính yêu cầu Ban quản lý KKT Dung Quất, Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, tạo điều kiện cấp giấy phép lao động, visa cho các chuyên gia theo đúng quy định, để yên tâm làm việc, tiếp tục đảm bảo nền sản xuất, đặc biệt tại KKT Dung Quất và VSIP. Đồng thời, giao Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Mặc dù thực hiện mạnh mẽ các giải pháp duy trì ổn định và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, song trước những thách thức và khó khăn mới, nhiều doanh nghiệp mong muốn Trung ương và tỉnh cần sớm có chính sách cụ thể, đồng bộ, tạo thuận lợi để DN ổn định sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.