Để đảm bảo tốt công tác kiểm tra và xử lý về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra về ATTP tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, các cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm, các đại lý bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hàng quán kinh doanh vỉa hè… nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết, nơi trung chuyển hàng hoá, các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào thành phố và nguồn gốc thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống trên địa bàn thủ đô.
![]() |
Lực lượng quản lý thị trường thu giữ hàng tấn nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc |
Ngoài ra, lực lượng còn tăng cường kiểm tra ngăn chặn việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đối với mặt hàng trái cây, tiếp tục kiểm tra kiểm soát các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn và những cửa hàng đã được gắn biển nhận diện logo; với với mặt hàng rượu, tăng cường quản lý phòng chống ngộ độc rượu, đặc biệt với sản phẩm rượu thủ công do người dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, việc thực hiện các điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất kinh doanh rượu.
Chú trọng các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, các nguyên liệu không được phép sử dụng để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, nhằm bảo vệ tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn.
Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, kiểm tra việc chấp hành các quy định của phát luật về ATTP trong kinh doanh, bảo quản các mặt hàng gia súc, gia cầm, thuỷ sản và sản phẩm chế biến từ rau, thịt, gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản tươi sống. Phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, vi phạm về mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, tồn dư hoá chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, ngăn chặn việc sử dụng thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, chết để chế biến thực phẩm.
Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu chuẩn dùng thực phẩm không an toàn.
Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, sơ chế, kinh doanh thực phẩm, vận động các cơ sở kinh doanh nâng cao tinh thần trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Nằm trong chương trình Tháng hành động vì ATTP, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai kiểm tra, bắt giữ rất nhiều các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm. Điển hình, ngày 24/6, Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ trì kiểm tra một cơ sở kinh doanh và 3 kho cất giấu hàng hoá thuộc Công ty TNHH Mr. Drink Việt Nam. Công ty này có trụ sở chính tại tầng 1 căn nhà V1-A03 thuộc dự án The Terra An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Cơ sở kinh doanh do ông Nguyễn Hữu Toàn làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không có mặt. Nhân viên tại cơ sở đã xuất trình được một số giấy tờ trong đó có giấy đăng ký kinh doanh, tờ khai hải quan và một số hoá đơn chứng từ của một vài chủng loại sản phẩm.
Hàng hoá tại cơ sở chủ yếu là nguyên liệu chế biến trà sữa như chân trâu; siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa các vị mang thương hiệu royal tea, gongcha... do nước ngoài sản xuất, cùng hàng trăm ngàn nhãn phụ hàng hoá.
Theo quan sát, hàng hoá tại cơ sở kinh doanh và 3 kho hàng được đóng trong các thùng carton và bao tải dứa màu xanh. Nhiều thùng hàng đã bị bật tung, ẩm mốc, hàng đổ vương vãi. Đáng chú ý, dưới nền các kho hàng là ngổn ngang rác và các tệp giấy in nhãn phụ.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) - cho biết, hàng hóa tại đây có dấu hiệu kinh doanh hàng hoá nhập lậu và gian lận thương mại. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi hoạt động giao thương bị ngưng trệ, số nguyên liệu trà sữa này được cơ sở kinh doanh tiêu thụ chủ yếu thông qua nền tảng thương mại điện tử, giao hàng tận nơi. Chủ cơ sở này rất nhiều lần né tránh kiểm tra của lực lượng chức năng.
“Chủ cơ sở này rất tinh vi trong sai phạm, để lẫn hàng hoá có giấy tờ và không giấy tờ với nhau, điều này gây khó khăn trong công tác kiểm đếm, kiểm soát của lực lượng chức năng. Đến thời điểm hiện tại, chưa có thống kê đầy đủ về số lượng hàng hoá vi phạm” - Đội trưởng Nguyễn Ngọc Hà thông tin.
Trong “Tháng hành động vì ATTP”, từ ngày 15/4 đến 15/5/2021, cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, các cơ quan chức năng thành phố đã tập trung cao độ cho công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Toàn thành phố thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra 10.477 cơ sở, trong đó có 8.541 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 81,5%.
Tổng số có 1.936 cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 536 cơ sở với số tiền phạt hơn 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 54 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 214 cơ sở bị hủy sản phẩm với 79 loại sản phẩm bị hủy; 189 cơ sở bị đình chỉ, nhắc nhở 943 cơ sở tuân thủ quy định về ATTP...