Quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội: Còn nhiều vướng mắc

Cơ sở vật chất chưa bảo đảm các điều kiện hoạt động về phòng cháy chữa cháy (PCCC), vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị… là thực trạng của hầu hết các chợ trên địa bàn TP. Hà Nội.
\"\"

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Trong đó, có khoảng 102 chợ kiên cố, 224 chợ bán kiên cố và 128 chợ lán tạm. Tổng diện tích đất chợ trên toàn thành phố gần 170 ha với khoảng 90.000 hộ kinh doanh. Cơ sở vật chất tại hầu hết các chợ chưa bảo đảm các điều kiện hoạt động về PCCC, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị… Cụ thể, qua kiểm tra thực tế và tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, đến nay chỉ có 52/245 chợ thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc có cam kết bảo vệ môi trường (chiếm khoảng 11,4%). Đa số các chợ hoạt động lâu năm (từ 10 năm trở lên), cơ sở hạ tầng xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Gần 100% các chợ qua kiểm tra vẫn chưa thực hiện phân loại chất thải nguy hiểm, chất thải phân hủy, chất thải để tái chế… theo quy định. Công tác bảo đảm PCCC tại chợ còn nhiều hạn chế, hàng năm vẫn xảy ra các vụ cháy chợ gây thiệt hại lớn về tài sản.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn vẫn gặp nhiều hạn chế  như: Một số quận, huyện, thị xã chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chợ. Việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chợ hạng 2 và 3 ở một số quận, huyện của UBND thành phố còn chậm. Vẫn tồn tại mô hình xây dựng chợ chưa phù hợp, kém hiệu quả, dẫn đến lãng phí đầu tư và bức xúc trong nhân dân (mô hình trung tâm thương mại kết hợp chợ...). Công tác chuyển đổi mô hình chợ tương đối chậm, quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về chợ.

Bà Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng ban chuyên trách Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP. Hà Nội- đánh giá, hiện nay, nhiều chợ trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Việc phân hạng chợ không có quy chế rà soát, đánh giá lại tạo lỗ hổng về quản lý. Nhiều chợ không có báo cáo căn cứ thu phí nhưng Sở Tài chính và các quận, huyện, thị xã phụ trách cũng không nắm được… Do đó, bà Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Sở Công Thương thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý nhà nước về chợ. Chỉ đạo các đơn vị tích cực thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đối với các chợ thực hiện theo mô hình ban quản lý trực thuộc quận, huyện, thị xã phải bảo đảm tự chủ về tài chính. Báo cáo HĐND thành phố và UBND thành phố những điểm vướng mắc để tìm hướng giải quyết.

Bà Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng ban chuyên trách Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP. Hà Nội: 

Đối với các dự án chậm triển khai, đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã gỡ các khó khăn, vướng mắc để đưa dự án vào thực hiện. Dự án đã giao mà chủ đầu tư không có khả năng triển khai phải kiên quyết thu hồi để tìm đơn vị có đủ năng lực thực hiện.

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận