Phương pháp Ivy Lee

Năm 1918, Charles M.Schwab - Chủ tịch Tập đoàn thép Bethlehem, nhà sản xuất thép lớn thứ hai nước Mỹ thời điểm đó - gặp nhà tư vấn Ivy Lee, nói: “Hãy chỉ cho tôi cách để mọi người làm tốt nhiều việc hơn”. “Cho tôi 15 phút gặp các giám đốc điều hành” - Lee đáp. “Tôi phải trả bao nhiêu?” - Schwab hỏi. “Sau 3 tháng, anh có thể gửi cho tôi tờ séc với bất kỳ số tiền nào anh cảm thấy tôi xứng đáng nhận” - Lee bình thản.
\"\"
Ivy Lee - Cha đẻ của ngành Quan hệ công chúng hiện đại

Làm việc với các giám đốc điều hành, Lee đưa ra cách thức đơn giản: Cuối mỗi ngày, hãy viết ra 6 việc cần hoàn thành hôm sau với thứ tự ưu tiên theo mức độ quan trọng thực sự của chúng, không vượt quá con số 6. Hôm sau, chỉ tập trung vào việc đầu tiên, hoàn thành rồi mới chuyển sang việc thứ hai. Tuân thủ quy tắc này đến khi hoàn thành cả 6 việc. Vào cuối mỗi ngày, chuyển những việc chưa hoàn thành vào danh sách 6 việc của hôm sau, tiếp tục quy trình làm 6 việc…

Thử nghiệm theo cách đó, 3 tháng sau, Bethlehem tăng trưởng đột biến. Schwab viết một tấm séc 25.000 USD (tương đương 400.000 USD ngày nay) để cảm ơn Lee.

Điều gì khiến “Phương pháp Ivy Lee” tạo ra những kết quả tuyệt vời đến vậy?

Chướng ngại vật lớn nhất với bất kỳ ai là sự khởi đầu công việc. Quyết định việc đầu tiên cần làm hôm sau ngay từ hôm trước sẽ không lãng phí nhiều tiếng đồng hồ phân vân trước hàng núi công việc. Chỉ cần thức dậy, đến văn phòng, bắt đầu làm việc ngay lập tức. Đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các CEO thành công đều có chung một tính cách: Sự tập trung. Nhiều người tin rằng, bận rộn đồng nghĩa với mọi việc đang tốt lên. Hoàn toàn sai, không ai có thể hoàn thành xuất sắc công việc nếu làm nhiều việc cùng lúc.

Đó chính là giá trị cốt lõi của “Phương pháp Ivy Lee”.

Minh Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận