Tập trung giải pháp để kích thích sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế |
Giảm lãi, phí đạt khoảng gần 40.000 tỷ đồng
Thông tin về gói tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, đây là gói bổ sung ngoài khuôn khổ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu. Dư địa chính sách tiền tệ ở chương trình này ít, chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa.
Khi đưa tiền ra qua chính sách tài khóa, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, vì bản chất chính sách tiền tệ là ngắn hạn theo sát diễn biến của kinh tế, mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
![]() |
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chiều ngày 7/1/2022 |
Đối với vấn đề giảm lãi suất, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là vấn đề mà doanh nghiệp và Đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Đối với ngành ngân hàng thì đây được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành. “Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tập trung giảm nhanh 3 lần so với lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 là khoảng 1% vào năm 2021, tiếp tục giảm khoảng 0,8%” - đại biểu Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Thực tế Ngân hàng Nhà nước cũng động viên, khuyến khích, kêu gọi các tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi vay và giảm các loại phí. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm cả lãi, phí đạt khoảng gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, của người dân.
Trong bối cảnh hiện nay, lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất. Trước thực thế đó, nền kinh tế của chúng ta đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất thì đây là một vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, trong xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội này Chính phủ cũng cân nhắc và để đưa ra một cái giải pháp để phấn đấu hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ 0,5% - 1% lãi suất trong hai năm.
Đối với Ngân hàng Nhà nước cũng muốn phấn đấu để có những giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật cũng như thể hiện quyết tâm của hệ thống ngân hàng trong việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. “Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo phân công của Chính phủ tập trung nguồn lực cho các nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm cũng khắc phục được những giới hạn chế của những gói hỗ trợ trước” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói.
Tăng hỗ trợ đối với lĩnh vực ưu tiên, có tiềm năng phát triển
Đề nghị bổ sung thêm quan điểm bảo đảm cân bằng và bình đẳng trong thực hiện chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - đoàn Tiền Giang cho rằng, đại dịch Covid-19 có tác động sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân, tuy nhiên có tác động lớn hơn tới một số nhóm đối tượng, địa phương, ngành, lĩnh vực như người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già, người lang thang cơ nhỡ, các lao động phi chính thức...
![]() |
Những ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động nặng nề hơn bởi dịch bệnh như ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách mà trong báo cáo của Chính phủ đã phân tích; những tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của dịch bệnh như TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi khác cần phải có những giải pháp và nguồn lực hỗ trợ kịp thời.
Đặc biệt, báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập, mà 90% doanh nghiệp nhỏ vừa do phụ nữ làm chủ.
“Để chương trình thực sự đạt được mục tiêu tạo động lực để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và không để ai, nhóm nào, ngành nghề, lĩnh vực, địa phương nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì một quan điểm quan trọng là công bằng, bình đẳng” - Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - đoàn Trà Vinh chia sẻ, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới bởi diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, bởi chi phí đầu vào tăng cao, xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp đã gặp khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn và tốc độ phục hồi sản xuất chậm chạp hơn. Do đó, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp có sức lan tỏa, tạo sự đột phá là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Về bố trí vốn, giải ngân nguồn kinh phí lớn trong thời gian rất ngắn, đại biểu Tuấn đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tránh lạm dụng, trục lợi cá nhân như vụ việc đau lòng liên quan đến Công ty Việt Á.
Cùng với đó, lựa chọn đối tượng hỗ trợ khi áp dụng gói chính sách này, để phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, tránh dàn trải cho các ngành, lĩnh vực không cần thiết ngay tại thời điểm này. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt quan tâm nâng mức hỗ trợ tốt hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực mũi nhọn, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế phát triển và những lĩnh vực có tác động sâu, lan tỏa rộng đến toàn xã hội như ngành chế biến, chế tạo, ngành sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, giải quyết nhiều việc làm hay đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng hoặc xây dựng các công trình thủy lợi mang tính cấp thiết...