Phục hồi thú chơi hoa thuỷ tiên

“PHỤC HỒI THÚ CHƠI HOA THỦY TIÊN” - là nhan đề bài Podcast hôm nay, bài viết của tác giả - Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Đài PT - TH Hà Nội. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Bài viết:

Khi thuỷ tiên nở hoa, mỗi cụm hoa mang một dáng vẻ khác nhau theo lối đặt tên của các cụ xưa. Dáng phượng múa, dáng rồng bay, dáng hạc chấu, dáng tiên sa... Mỗi cụm hoa thực sự là một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn độc đáo của bàn tay người yêu hoa, và là kết quả của nghệ thuật gọt tỉa thủy tiên khởi từ trước đó hàng tháng trời. Chính bởi vậy, người xưa mới ham thích thú chơi thuỷ tiên, thú chơi giàu sáng tạo và giàu tính thẩm mỹ, nghệ thuật.

Thấm thoắt thế là đã gần nửa thế kỷ đã trôi qua, hôm nay cụ giáo Lê Đăng Nghị ở phường Thanh Lương mới được cầm lại trên tay con dao nhỏ thân thiết ngày xưa. Con dao có hình dáng đặc biệt kỳ lạ. Một đầu như chiếc lưỡi rìu nhỏ sắc lẹm, một đầu như lưỡi thuổng tí xíu hình lòng máng. Đó chính là con dao gọt và tỉa thủy tiên chuyên nghệ. Dường như thoáng một nỗi bồi hồi, mong nhớ đang dâng ứ trong đôi khoé mắt và đôi bàn tay của ông lão tuổi ngoại tám mươi khi bỗng dưng chạm vào từng dáng nét của một vẻ đẹp xưa:

Chơi hoa thủy tiên là một thú chơi xuân lâu đời của người Hà Nội. Nhưng trải qua mấy chục năm chiến tranh giặc giã rồi bao cấp khó khăn, thú chơi thủy tiên mai một dần. Rồi sau đó lại xảy chiến tranh biên giới phía Bắc, nguồn củ thủy tiên từ Trung Quốc về Việt Nam không còn. Thế nên coi như đứt đoạn mấy mươi năm trời nay mới bắt đầu nối lại.

undefined
Hoa thủy tiên trắng

Không phải bỗng dưng mà bài viết về "Thú chơi hoa thủy tiên" của nhà báo lão làng Nguyễn Hà thuở sinh thời chỉ gồm có mấy trăm chữ đăng trên số tết của một tờ tuần báo lại được trả nhuận bút khá cao. Mọi người nói đùa, mỗi chữ đáng giá bạc ngàn. Còn nhà báo Nguyễn Hà thì rằng, đó là nhờ ở lộc của ông cụ thân sinh một cụ đồ nho Hà Thành từng một thời đam mê thú chơi tao nhã ấy. Nhà báo Nguyễn Hà kể rằng, mỗi năm vào dịp cuối tháng một, tức tháng mười một âm lịch, cụ đồ thường trở qua, trở lại ngày đôi ba lần trên phố Hàng Buồm, Phúc Kiến (Tức Lãn Ông bây giờ) để chọn mua bằng được một "Bắp" tức một thùng củ thủy tiên do các nhà buôn Tàu bày bán. Có nhiều loại lắm. Cứ củ càng to thì càng đắt tiền. Rồi sau đó, cụ tìm cách lánh hẳn việc nhà, từ chối không tiếp khách khứa trong hàng tuần liền, để chăm lo chuyên chú cho việc gọt tỉa thủy tiên. Khi ấy, có ai sơ ý hỏi han điều gì, cụ đều không trả lời, coi như người đã nhập thiền vậy. Nhà báo Nguyễn Hà hồi nhớ: Sau khi gọt, các lát cắt của củ hoa sẽ chảy nhựa, cụ tôi phải đem củ thủy tiên ngâm úp vào nước để nhựa tiết ra tan chảy hết.

Gọi là "ngâm cầu". Ngâm khoảng ngót một ngày thì được. Trong thời gian ngâm thì cứ dăm sáu giờ đồng hồ lại phải rửa cho củ thủy tiên sạch nhớt. Nếu không sạch nhớt thì củ sẽ bị thối. Mỗi năm cụ giở ra gọt thủy tiên thì cứ lục đục suốt đêm, hầu như chả chợp mắt lúc nào.

Hàng năm, cứ vào dịp đầu tháng chạp âm lịch, khi những cơn gió bấc cuối đông dường như đã chùng lại trước những làn hơi ấm đầu xuân mơ màng, ấy là lúc những người chơi hoa sẽ vào cuộc mới. Những củ thuỷ tiên khô do lái buôn đem về từ các tỉnh duyên hải Nam Trung Hoa, bây giờ sẽ được đem ngâm nước cho căng mọng và nhú mầm. Nom chúng tựa như những củ hành tây vừa ra giống. Sau đó, họ, những người chơi thủy tiên chuyên nghệ sẽ tìm lấy một chốn kín đáo, khuất nẻo để chuyên tâm lo việc gọt tỉa hoa.

Gọt tỉa thuỷ tiền, đó chính là một công đoạn tỉ mỉ, khó khăn, phức tạp và rắc rối nhất trong cách chơi thuỷ tiên cổ truyền Cụ giáo Lê Đăng Nghị còn nhớ rất tỷ mỷ:

- Phải chọn đoán cho đúng phần mặt chính của củ. Nếu vô ý gọt trái mặt, củ thuỷ tiên sẽ đâm mầm tréo nghẹo, mắt hết tư thế đẹp. Mà khi gọt phải lựa đôi tay cho khéo, kẻo phạm phải chỗ đọt mầm tương lai, củ thuỷ tiên sẽ bị hoại nát mà thui chột mất dò hoa.

Lại phải gọt hướng sao cho các mầm hoa sau này sẽ vươn theo thế đã chọn. Không để chúng trổ lung tung, vô lối. Toàn là phải dò dẫm, đoán định, phỏng chừng, ấy mới là khó chứ.

Sau công đoạn ngâm cầu, người ta bắt đầu giai đoạn dưỡng hoa. Chủ yếu là dưỡng bằng nước sạch. Người chơi hoa ngâm củ thủy tiên trong các bát gốm hoặc sứ rồi hằng ngày bắt đầu quá trình chăm sóc rất tỷ mẩn, cẩn trọng. Sau mỗi lần gọt sửa, củ thuỷ tiên phải được lau rửa bằng nước nhiều lần cho sạch nhựa. Các cụ ta thường rửa thuỷ tiên bằng chổi lông gà hay chối tóc. Như thế vừa sạch sẽ, vừa tránh xây xước, tránh làm tổn thương tới các mầm đọt non và cả bộ rễ mới kịp nhú. Củ thủy tiên từ lúc nảy mầm, đâm rễ, trổ giò, kết nụ phải trải qua ba bốn lần gọt tỉa, sửa sang và hàng vài ba chục lần thay nước mới. Thủy tiên là giống hoa ưa sạch sẽ, tinh khiết. Bởi thế, nó cần được uống nước trong hàng ngày và phải được đặt ở nơi thoáng mát, không vương bụi bậm, không ướm hơi xú uế.

Bà Quách Hồng Huyền là con gái làng Yên Phụ lên làm dâu làng Nghi Tàm. Cả đôi bên nội ngoại của gia đình đều có nghề gọt tỉa thủy tiên. Có lần bà Huyền còn tìm sang tận Phúc Kiến - Trung Quốc để cất thủy tiên về Hà Nội làm hoa thủy tiên của nhà bà.

Huyền cũng thuộc diện làm đại trà, giá bình dân chứ không phải thuộc diện cắt tỉa nghệ thuật kỹ càng, giá đặc biệt. Nhưng được cái bà Huyền có tài đoán đúng cho thủy tiên nở trong khoảng từ chiều ba mươi đến sáng mồng một ta, đúng mong muốn của khách chơi hoa nên bán buôn khá đắt hàng. Từ năm 2000, bà bắt đầu mở rộng việc kinh doanh thủy tiên, có năm bà làm tới dăm trăm bát thủy tiên, nhưng sau phải giảm dần.

- Đau lưng lắm bác ạ. Làm nhiều không chăm chút được hàng ngày, cây nó không thể đẹp được. Có khi lúc cắt gọt mong nó trổ hoa thế nọ nhưng nó lại trổ ra thế kia. Con cái dỗ mãi nó cũng chả thích theo nghề. Năm Canh Tý vừa rồi là năm nhuận, đắn đo cẩn thận lắm rồi mà người tính chả bằng trời tính. Cả Hà Nội thủy tiên đều nở sớm. Hăm nhăm hăm bẩy tết mà đã trắng rực cả chợ hoa. May nhà em còn vớt vát được vài trăm bình nở hăm chín ba mươi.

Hút chết bác ạ. Với lại, trước đây Nghi Tàm cũng mấy chục nhà làm thủy tiên nhưng rồi đa phần cũng thu hẹp dần vì nhà cửa cứ xây cho thuê hết, đất cát chả còn mấy mà lấy chỗ làm hoa.

Giờ đây, mỗi nhà kinh doanh hoa thủy tiên ở Hà Nội đều có cách thức và bí quyết riêng để chăm sóc cho cây thủy tiên ở giai đoạn ươm cây, trổ nụ đầy khó khăn này. Ví như củ nào kém đâm rễ, phải đem vùi trong cát ẩm. Cát phải được đãi rửa thật sạch. Thế mà trước khi vùi củ hoa vào trong bồn cát, lại phải đặt nó trong một tấm vải bông mới và sạch tinh, để chống nhiễm khuẩn làm thối bộ rễ. Khi cụm hoa trổ đủ số mầm chính, ba, năm, bẩy, chín - số lẻ bao giờ cũng hay hơn: tam đa, ngũ phúc, thất hiền, cửu long, cụm hoa cần phải được đặt trong bình thuy tinh hay bát sứ, cho cụm cây cố định dáng vẻ. Lâu nay có bát nhựa thay thế vừa rẻ vừa đỡ sứt vỡ.

Như thế, các mầm cây và giò hoa, cánh lá mới vươn lên thẳng ngay, không bị xiên lệch, vẹo vọ. Bởi xiên lệch vẹo vọ là phạm phải một điều tối ky trong kỹ thuật tạo dáng thủy tiên. Hoặc như ở các nhà kinh doanh thủy tiên chuyên nghiệp, họ thường đặt những phên tre đan thành giàn, ngâm xăm xắp trong bể nước. Mỗi ô mắt phên sẽ thay cho công dụng giữ thăng bằng, cố định cho cụm hoa như ở trong bình, trong bát nhỏ, rất tiện cho việc thay nước hoa hàng loạt mỗi ngày. Lúc nào chuẩn bị đưa hoa ra chợ, mới nương nhẹ tay cho cụm hoa vào các bình bát. Tôi đã tận mắt trông thấy giàn dưỡng hoa đan bằng lưới tre hình ô vuông thả trên bể nước nông có đường dẫn nước vào ra của gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở làng Thanh Nhàn. Trong thời gian dưỡng thủy tiên chừng 25 đến 30 ngày, anh Thanh phải chăm thủy tiên như chăm con mọn:

- Hàng ngày phải thay nước mới và rửa sạch củ hoa, rễ cây, lá cây, mỗi ngày ít nhất một lần. Nếu trời nắng nóng thì rửa cây thay nước hai ba lần. Mệt lắm. Nhưng nếu lơ là một chút thôi là nhựa các vết cắt lại dễ làm thối nước, thối củ. Rồi mỗi ngày lại phải để ý sắp xếp lại lá, hoa và rễ sao cho khóm thủy tiên phát triển hài hòa, đẹp mắt.

Tuy nhiên, việc chăm sóc hoa trong giai đoạn này thật chẳng dễ dàng chút nào. Nhất là vào những năm gần đây, trong điều kiện thời tiết và môi trường Hà Nội có rất nhiều biến đổi bất lợi. Dân ta đi chợ mua hoa thủỷ tiên, khi hỏi đến giá cả, thường chê đắt rẻ, song ai đã từng tận mắt theo dõi những công việc của người làm hoa và cùng chia sẻ với họ bao bất trắc, gian nan của nghề hoa, mới cảm nhận rõ giá trị của mỗi dò hoa quý. Tháng chạp năm Đinh Sửu trước tết Mậu Dần 1998, thời tiết nước ta không thuận, mưa nắng thất thường, có buổi nồng nực hơn cả mùa hè. Môi trường và nguồn nước nhiều khu vực lại bị ô nhiễm nặng. Hàng chục nhà kinh doanh đã cầm chắc lỗ vốn bạc triệu. Riêng đợt thủy tiên mới ra giống của nhà anh Thanh ở làng Thanh Nhàn là có chút hứa hẹn cho triển vọng kha khá. Song chủ nhân của chúng cũng không giấu nổi nỗi lo âu, thấp thơm. Nhất là khi anh đã rót vào đợt thuỷ tiên ấy số vốn ban đầu vài chục triệu đồng. Đó là chưa kể tới các đợt hoa thí điểm hồi trước, khi được, khi mất, hồi anh Thanh mới bước vào nghề và Hà Nội mới gây dựng lại thú chơi thuỷ tiên.

Chừng vào khoảng tết ông Công, ông Táo, khi hơi xuân nồng nàn đã vây bọc khắp không gian, những giò thuỷ tiên sớm sẽ trổ hoa đợt đầu, đưa hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng. Song mà vào ngày trước, những người chơi hoa thủy tiên sành điệu, cứ nhất định tìm cách hãm cho hoa nở đúng vào thời khắc giao thừa, mới cho là đúng phép. Bà Phúc Lâm Đỗ Thị Dung nhà ở phố Hàng Đồng cũ, là con cụ Ký Hanh, một viên chức dưới thời Pháp thuộc. Bà vẫn hãy còn nhớ cách thức thúc hoa và hãm hoa của cụ Ký Hanh khi xưa:

- Mỗi khi đến ngày 28, 29 giáp Tết Nguyên Đán mà nụ hoa coi vẻ còn se sắt, chưa có dáng sắp nở, thì phải lấy nước âm ấm thay luôn, để thúc nụ chóng mập. Còn nếu như thấy nụ hoa đã ra chiều muốn mở cánh, thì phải lấy chút lòng trắng trứng gà, phết một đôi lượt bên ngoài nụ, nhằm hãm cho hoa nở đúng lúc giao thừa. Thế mới gọi là đại cát cho năm mới.

Còn nếu như trong nhà không có người rảnh rỗi, hoặc là có người rảnh rỗi nhưng chẳng thành thục với nghệ thuật gọt tỉa thủỷ tiên, thì vào dịp giáp tết âm lịch, người ta sẽ tìm lên chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược. Nơi ấy, giữa một vườn đào quất, cây cảnh, hoa tươi rực rỡ muôn màu, những bình thủy tiên bé nhỏ, xinh xắn với vẻ đẹp khiêm nhường, duyên dáng, với hương thơm cao sang, độc đáo, luôn là điểm hấp dẫn bước chân của những người hâm mộ.

Những tụ điểm bán hoa thủy tiên mới nở rộ khoảng mươi lăm năm nay là chợ hoa Quảng An, chợ hoa Hoàng Hoa Thám, chợ hoa Vạn Phúc, và nhất là dọc đường phố Từ Hoa bên làng Nghi Tàm, một thủ phủ của thủy tiên Hà Nội.

Phần lớn khách chơi hoa thuy tiên vào dịp tết, thường là các cụ ông trí thức, văn nghệ sĩ cao tuổi. Có thể hiểu như là, họ đã từng trải qua biết bao thăng trầm, cũng như nếm trải biết bao hương vị đắng ngọt của cuộc sống, của nỗi buồn, niềm vui. Cái điểm dừng thủy tiên hoa, phải chăng là nơi ẩn chứa, nơi gửi gắm những điều tâm sự, những nỗi ước mong cao xa và thầm lắng khó nói thành lời ở cái tuổi ngoại tuổi tri thiên mệnh? Còn tôi, mỗi năm vẫn thường được cậu con trai đỡ đầu là giảng viên trường Đại học khoa học xã hội nhân văn đều đẳn đem biếu đôi bát thủy tiên, một bát dâng trên ban thờ, một bát trưng ở phòng khách. Thật ưng ý quá. Sáng mồng một tết năm nào cũng vậy, tôi thường mặc tấm áo dài mới chụp ảnh bên bình hoa thủy tiên rồi đưa FB chúc mừng họ hàng, bầu bạn gần xa.

Ngày xửa ngày xưa, Hà Nội từng có những kỳ thi hoa thủy tiên vào dịp đón xuân tại đền Bạch Mã và Ngọc Sơn cổ kính. Cụm hoa nào đoạt giải, được cả sắc hương lẫn dáng thế, sẽ được đưa lên kiệu rước trên phố Hà Nội cho bàn dân chiêm ngưỡng, tôn vinh.

Khi thủy tiên nở hoa, mỗi cụm hoa mang một dáng vẻ khác nhau theo lối đặt tên của các cụ xưa. Dáng phượng múa, dáng rồng bay, dáng hạc chầu, dáng tiên sa... Mỗi cụm hoa thực sự là một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn độc đáo của bàn tay người yêu hoa, và là kết quả của nghệ thuật gọt tỉa thủy tiên khởi từ trước đó hàng tháng trời. Chính bởi vậy, người xưa mới ham thích thú chơi thuỷ tiên, thú chơi giàu sáng tạo và giàu tính thẩm mỹ, nghệ thuật. Ông Nguyễn Văn Chi, một chủ vườn hoa cảnh nổi danh ở làng Định Công chậm rãi:

- Các cụ ta xem thủy tiên khi nở hoa như một bộ mâm bạc chén vàng của nhà vua. Bình chọn một cụm thủy tiên đẹp, phải xét toàn diện. Lá phải xanh đều và uốn lượn theo hình thế nhịp nhàng chứ không thẳng đuồn đuỗn. Các dò hoa phải cao thấp hài hoà, chứ không đâm tua tủa ngang mặt nhau, rễ phải rậm, dài, mềm mại và trắng muốt, không bợn một nốt nâu ủng, không đan rối lẫn nhau, trông hệt như bộ râu của một lão ông đại thượng thọ. Thế mới là tuyệt hảo.

Việc ấy, ta cũng có thể hình dung lại qua câu chuyện của nhà văn Vũ Bằng in trong cuốn Mê Chữ của ông. Trong văn chương nghệ thuật, người Á Đông thường giữ quan niệm "Quý hồ tinh bất quý hồ đa". Trong chiếc bình pha lê trong suốt, cụm thủy tiên bé nhỏ lộ vẻ đẹp thơ ngây, trong trắng, dịu dàng, tựa như một bầy tiên vừa từ thượng giới bay xuống tắm mình trên dòng suối mát, giữa một cánh rừng cổ tích nguyên sơ.

Những năm đầu thế kỷ XXI, khi con đường ven hồ Tây chạy men làng Nghi Tàm được khai thông và đặt tên là phố Từ Hoa, thì người Hà Nội đã có cơ hội tìm lại những ngôi nhà của các nghệ nhân hoa cảnh nổi tiếng để đặt hoa thủy tiên đem về chơi Tết và đem đi biếu Tết. Nghệ nhân Nguyễn Văn Ninh, tức cụ Hai Ninh ở tuổi ngoại chín mươi, ngoài kỹ nghệ trồng địa lan và trà hoa nổi tiếng, đã kịp truyền lại cho các cháu nội kỹ nghệ tỉa hoa thủy tiên rất cầu kỳ, công phu, tạo nên những bình hoa duyên dáng, đẹp đẽ:

- Hoa phải là hoa đơn, cánh dõng dạc, nhuy phân minh. Hoa kép rối cánh, lại kém thơm, không mấy được chuộng. Lá thủy tiên cong cong hướng ra bên ngoài, lá thấp để tôn hoa cao. Hoa đan xen trên dưới hài hòà. Gọt củ lúc đầu mà sau được đúng như đoán định là không dễ đâu. Nhất thiết phải là dò hoa chớm nở đúng lúc giao thừa, mới thập phần hoàn hảo, toàn bích. Ngày trước, ở Hà Nội, thường có các cuộc thi hoa thủy tiên ở đền Bạch Mã trên phố Hàng Buồm và đền Ngọc Sơn giữa hồ Hoàn Kiếm. Hễ gia đình nào thắng giải ở hội thi hoa thủy tiên đền Ngọc Sơn hay đền Bạch Mã thì coi như đạt được niềm vinh hạnh hiếm có trong đời người. Họ thường tổ chức buổi rước hoa, khao giải linh đình lắm.

Vài mươi năm gần đây, thủy tiên đã hiện diện trên khắp các chợ hoa Hà Nội. Lọt giữa muôn hồng ngàn tía các loại hoa cảnh đông tây nam bắc, nước trong nước ngoài, những bình thủy tiên nhỏ bé, khiêm nhượng vẫn thu hút sự say mê, đắm đuối của những kẻ yêu những nét đẹp xưa cũ Hà Thành. Cụ bà phố cổ áo kép hoa tóc búi trễ khăn len quàng cổ ngắm đi ngắm lại bình thủy tiên hàm tiếu:

- Ông nhà tôi lúc còn sống yêu hoa thủy tiên lắm, toàn tự gọt hoa lấy. Nhưng ông mất lâu rồi. Năm nào tôi cũng mua một bình cúng trên ban thờ cho ông thỏa nguyện. Hoa mua ở chợ không đẹp bằng ông nhà tôi tự gọt tỉa, nhưng cũng gọi là cho có. Không thì cứ lâu nay, tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây đã hình thành Câu lạc bộ Hoa thủy tiên Hà Nội bao gồm hàng chục thành viên cả lớn tuổi lẫn nhỏ tuổi. Mọi người truyền cho nhau các thức chọn củ, tỉa hoa, chăm sóc hoa khá kỹ lưỡng. Có một lần tôi được mời lên ghi hình cùng Đài PT - TH Hà Nội trong chương trình Người Tràng An - Người Hà Nội tại nhà 87 Mã Mây. Tôi tình cờ được xem ngắm mấy mẫu hoa mà các thành viên trong CLB hiện trưng bày tại đó. Cảm quan ban đầu là các khóm hoa đều có hình thái ý tứ riêng rất điệu đà, duyên dáng, rất khác với các khóm thủy tiên bầy nhan nhản ngoài phố chợ, Thế rồi trên mạng xã hội, cũng xuất hiện nhiều bạn trẻ đam mê học hỏi cách gọt sửa thủy tiên, bất chấp nhiều kỳ thất bại ban đầu, củ chẳng ra củ, cây không ra cây. Có được mẫu hoa nào tạm ưng ý, các bạn ấy sẵn sàng chia sẻ chung vui với cộng đồng mạng. Tin chắc một ngày nào đó, các bạn sẽ thành công như ý với niềm đam mê nhiệt huyết, thật tâm.

Thế là một thú chơi cao sang vào dịp tết cổ truyền dân tộc đã và đang trở lại với người Hà Nội sau cái khoảng cách thời gian dằng dặc bằng cả mấy cuộc chiến tranh liên miên cộng lại, với biết bao đổi thay về thời cuộc trên đất nước ta.

Với mùi hương thơm ngát mà không nồng nã, ngạt ngào, quyến rũ mà sâu thẳm, kín đáo, dịu nhẹ mà chẳng nhạt nhoà, pha tạp, hương thủy tiên thật xứng là một thứ hương thanh cao, nồi trội trong thời khắc thiêng liêng của đất trời khi chuyển sang năm mới.

Trong không khí xum họp gia đình của ngày đầu xuân, hương thuỷ tiên lẫn trong làn khói hương trầm ấm áp, nồng đượm, hoà trong hương cam Canh, bưởi Diễn thơm thảo, ngọt ngào. Tất thảy, tạo nên một hương vị tết nhất cổ truyền đặc biệt Hà Nội, cho những kẻ xa quê khó cầm lòng khi tưởng đến.

Nội dung Podcast đến đây xin được tạm dừng, thân mến chào tạm biệt quý vị!

Thanh Thảo - Khánh Vân
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận