![]() |
Nghệ nhân ưu tú Trần Độ giới thiệu với tác giả về các loại men gốm |
Đưa cả giát giường vào lò nung gốm...
Nhắc đến nghệ nhân Trần Độ, nhiều người, kể cả các nghệ nhân gốm nổi tiếng trong và ngoài nước phải kính nể bởi khả năng tìm tòi, phục chế những màu men cổ quý. Đến nay, trong gia tài Trần Độ đã có khoảng 70 công thức chế men cổ. Tuy nhiên, để có được khối tài sản quý này, ít ai biết rằng ông đã phải trả giá bằng mồ hôi và nước mắt, có những lúc tưởng chừng như không thể trụ với nghề.
Năm 9 tuổi, Trần Độ theo bố, mẹ vào Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng làm việc, lúc đó mọi người trong xí nghiệp coi ông như đứa trẻ sai vặt. Thế nhưng, với bàn tay tài hoa cùng mối lương duyên với nghề truyền thống, ông đã biến những nắm đất vô hồn thành những sản phẩm mà đến bậc cao niên trong nghề phải kính nể. Năm 13 tuổi, khi các bạn cùng trang lứa còn trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Trần Độ đã khăn gói lên Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) để mở lò, sản xuất các sản phẩm bát, đĩa, ấm chén... phục vụ bà con trong vùng. Thời gian làm ở đó không lâu, bố, mẹ đã gọi ông về làm tại Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng cho đến khi ông đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1982, khi làm tròn nghĩa vụ quân sự, Trần Độ tiếp tục về làm công nhân, sau đó là cán bộ phòng chế thử của xí nghiệp.
Sau một thời gian làm việc tại xí nghiệp và một vài nơi khác, năm 1989, Trần Độ quyết định mở lò sản xuất các sản phẩm gốm cho riêng mình. Mở lò, nhưng Trần Độ không sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường mà tập trung vào nghiên cứu, phục dựng các loại men gốm cổ đời Lý, Trần, Lê, đặc biệt là các loại men gốm đời Trần... Cũng chính từ đó, của nả trong nhà cứ lần lượt ra đi theo các sản phẩm gốm thử nghiệm. Ông kể: Có thời điểm, lò gốm hết củi đun, tiền hết, nhà chỉ còn tài sản quý giá nhất là chiếc giường của 2 vợ chồng. Ông nói với vợ: Đây là tài sản của 2 vợ chồng, giờ anh cần củi, phần của em, em giữ lại nằm, còn phần anh mang ra làm củi đun lò...
Vợ ông phản ứng thế nào về việc này?” – Tôi hỏi...
Ông cười, nói: Cô ấy hiền lành, nhưng quan trọng là cô hiểu và ủng hộ chồng hết mực, vì thế mà khi lấy giát giường để làm củi, tôi biết, trong sâu thẳm cô ấy buồn nhưng vẫn động viên khích lệ chồng!
Trần Độ kể, đó chưa phải là cùng cực nhất, đỉnh điểm nhất là lần lò bị tụt, toàn bộ sản phẩm nung vỡ vụn, còn duy nhất một chiếc bình gốm men nâu sót lại, treo lơ lửng trong lò. Giờ đây, ông đặt chiếc bình gốm (dù chưa đạt yêu cầu về chất lượng) ở vị trí trang trọng trong nhà. Nhiều người hỏi mua với giá rất cao nhưng ông không bán, bởi nó hiện hữu thời kỳ khốn khó nhất cuộc đơi ông.
Khó khăn chồng chất, lúc bấy giờ, đi đâu, đến nhà nào, người ta cũng rất ngại tiếp đón bởi sợ ông vay tiền, thậm chí nhiều người bảo ông gàn dở, chế tạo ra những sản phẩm bán chả ai mua. Gần chục năm nghiên cứu, kinh tế gia đình ông rơi vào cảnh kiệt quệ, nhưng ông không lùi bước. Và rồi sự nỗ lực cũng được đền đáp, chính thời điểm khó khăn nhất, cũng là lúc ông phục dựng thành công nhiều loại men gốm cổ mà chưa nghệ nhân nào ở làng gốm Bát Tràng làm được. Đến năm 1999, ông phục dựng thành công ra các loại men đời Lý, Trần, trong đó đi sâu vào các loại men màu nâu mật, hoàng lưu ly, xanh lưu ly... được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao...
Thể nghiệm tinh hoa gốm cổ
Sau khi nghiên cứu thành công nhiều loại men cổ, các sản phẩm của ông nhanh chóng được thị trường trong và ngoài nước đón nhận, cũng từ đó gốm Trần Độ theo những công hàng đi đến nhiều nước trên thế giới. Ông cho biết, từ những năm 2000, sản phẩm Trần Độ đã có mặt ở Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Mỹ... và nhiều nước châu Á, châu Mỹ. Thậm chí có sản phẩm được khách hàng trả giá tới vài chục ngàn USD.
Sản phẩm gốm của nghệ nhân Trần Độ không chỉ nổi tiếng trong nước, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Văn Miếu- Quốc Tử Giám…, có mặt trong những sự kiện lớn như Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, thậm chí được trưng bày ở nhiều nước như: Tượng vua Trần Nhân Tông trưng bày tại Viện Trần Nhân Tông (Đại học Harvard - Mỹ)... Với tài hoa của mình, Trần Độ còn được mệnh danh là “vua” quà tặng. Rất nhiều sự kiện lớn của đất nước, Trần Độ được giao trọng trách chế tác các sản phẩm quà tặng. Điển hình như năm 2004, Văn phòng Chính phủ đã đặt Trần Độ chế tác hơn 80 sản phẩm phục cổ, giả cổ làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM5 tổ chức tại Hà Nội. Năm 2005, ông là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam...
Để có được thành công như ngày hôm nay, Trần Độ vẫn tâm niệm rằng, bên cạnh sự nỗ lực không mệt mỏi, ông may mắn được ông Tổ nghề gốm Bát Tràng “ứng nghiệm”, chắp nối từ những ý tưởng trong lúc mơ thành hiện thực, kể cả khi bế tắc, dường như Trần Độ đều được ông Tổ “chỉ dẫn”. Có lẽ cũng chính vì điều đó, mà đến nay, các sản phẩm gốm của Trần Độ đều hướng đến tâm linh, ông nghiên cứu, chế tác những sản phẩm phục vụ tâm linh và những bảo vật của các đình chùa, miếu trên cả nước: Lư hương, tượng phật... Cùng với việc phục dựng, ông đã cung tiến rất nhiều sản vật cho các đền chùa trên cả nước: Ban Quản lý di tích Đền Hùng (Phú Thọ); khu di tích vua Lê; Cố đô Huế...
Ông chia sẻ: “Mấy chục năm tâm huyết với gốm, chỉ với tâm niệm giản đơn muốn hồi cố và thể nghiệm tinh hoa từ gốm cổ, thổi hồn vào đất tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tinh túy và sinh động, đưa gốm Bát Tràng trở thành một trong những tinh hoa đất Việt”.
Với tài hoa và sự cống hiến với nghề gốm, mới đây ông là một trong những nghệ nhân ưu tú trên cả nước được Bộ Công Thương xét chọn danh danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, dự kiến sẽ được trao tặng vào tháng 5/2016. |