![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) |
Tham nhũng đang được kìm chế
Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ cho biết, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực. Nhiều vụ vi phạm, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước được phát hiện và xử lý nghiêm minh, đã thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) cũng đồng thuận cho rằng, năm 2018 là năm có nhiều đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử được tăng cường, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi đã góp phần quan trọng giữ vững, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, có nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh, được xã hội và nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho biết: “Với tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu. Báo cáo của Chính phủ nhận định: Tham nhũng đang được kìm chế, từng bước đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm. Đây là một kết quả thể hiện tính khách quan, nhìn nhận, đánh giá không chỉ trong nước chúng ta đánh giá mà bạn bè quốc tế cũng thừa nhận như vậy”.
Tiến tới ngăn chặn triệt để tham nhũng “vặt”
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), tham nhũng \"vặt\" là loại tội phạm nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công gây bức xúc với người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua.
Nếu các nhóm tham nhũng trục lợi chính sách làm suy kiệt nền kinh tế thì tham nhũng \"vặt\" với số lượng đông đảo cũng có một sức gây hại rất lớn đối với đời sống kinh tế xã hội và đặc biệt đã làm giảm lòng tin của người dân với bộ máy công quyền.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể và làm rõ nguyên nhân, tác hại cũng như có giải pháp để ngăn chặn loại tội phạm này. Cần tăng cường tuyên truyền thể thay đổi tư duy, thái độ của mỗi người Việt đối với tội phạm tham nhũng \"vặt\". Không coi những biểu hiện của tham nhũng \"vặt\" như lót tay, chung chi, bôi trơn trở thành tất yếu trong giao dịch với lực lượng chấp pháp. Kiên quyết nói không với tiếp tay cho tham nhũng.
“Cần công phá tư tưởng lợi ích nhóm, có những quy định cụ thể để dễ nhận diện, xử lý tội phạm tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền. Công khai, minh bạch, thắt chặt công tác cán bộ. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân với công tác cán bộ. Chuyển sang hình thức thi tuyển các chức danh bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, rèn luyện đạo đức công vụ cũng như trách nhiệm nghề nghiệp để mỗi cán bộ xứng đáng là công bộc của nhân dân”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề xuất.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, đây là giải pháp thanh lọc bộ máy công quyền để tiến tới không còn tham nhũng \"vặt\". Cùng với đó, cần cải cách nhanh công tác tiền lương gắn với tăng cường trách nhiệm công vụ của công chức, thực hiện công khai, minh bạch việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định. Năm 2018 chỉ tiến hành xác minh 44 người, có 6 trường hợp vi phạm chiếm 13,6%. Nếu xác minh 1.136.902 người trong diện kê khai thì con số vi phạm sẽ không nhỏ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho hay, tham nhũng đang diễn ra khắp nơi, tồn tại ở ngay cả những người thực thi pháp luật, đó là điều rất nguy hiểm. Chính vì vậy, người đứng đầu phải tỏ rõ quyết tâm phòng chống tham nhũng, không để vợ con, anh em lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm ăn bất chính. Thực hiện nghiêm đúng việc kê khai tài sản. Cùng với đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra để phát hiện tham nhũng.
Dẫn ra hàng loạt các vụ “khởi tố rồi để đó” khiến dân bức xúc, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, lực lượng thực thi chức năng cần phải quyết liệt hơn trong nhiệm vụ của mình để lấy lại lòng tin của dân.