Thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt
Với quan điểm “đi trước một bước”, hành động “cao hơn một mức”, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, mở rộng hoạt động xã hội, Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện “2 mũi giáp công” tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng thần tốc trong đầu tháng 9. Cụ thể, với 4,6 triệu liều vắc - xin được phân bổ, mục tiêu đặt ra tại Phương án số 170/PA-UBND, đến ngày 15/9, thành phố phải hoàn thành tiêm mũi 1 cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng. Vì vậy, những ngày qua, tốc độ tiêm vắc - xin trên địa bàn Thủ đô đã được đẩy lên rất cao, có ngày thành phố tiêm được đến 600.000 mũi. Tính đến nay, một số đơn vị đã hoàn thành từ 95 - 100% kế hoạch tiêm chủng đề ra gồm: Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm…
![]() |
Tăng tốc tiêm vắc-xin |
Cùng với việc tăng tốc tiêm chủng, thực hiện Kế hoạch số 206/KH-UBND, Hà Nội tiếp tục tăng tốc xét nghiệm diện rộng, chỉ riêng trong ngày 12/9, toàn thành phố đã lấy được 505.541 mẫu gộp RT-PCR và 254.247 mẫu test nhanh kháng nguyên. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố còn yêu cầu các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh việc xây dựng phương án thành lập các trạm y tế lưu động để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương. Với sự quyết liệt trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch lây lan, tín hiệu vui đối với Hà Nội đó là số ca F0 trên địa bàn đang có chiều hướng giảm, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần; gần đây, bình quân mỗi ngày có 30 - 40 ca, nhưng chủ yếu là các ca mắc trong khu cách ly, phong tỏa.
Ghi nhận về tình hình kiểm soát dịch bệnh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, qua ba đợt giãn cách, TP. Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực và giải pháp hiệu quả, quyết liệt trong phát hiện, ngăn chặn, tổ chức cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị. Đặc biệt, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn để kiểm soát, tầm soát y tế đã phát huy hiệu quả. “Điều này vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở “vùng đỏ”, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở “vùng cam” và “vùng xanh” - ông Phong cho hay.
Đánh giá về chiến lược phân vùng của Hà Nội, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc Hà Nội thực hiện phân thành 3 vùng phòng, chống dịch Covid-19 từ 6/9 rất cần thiết, đúng đắn. 3 vùng với từng địa bàn cụ thể, phương án phòng, chống dịch theo từng mức độ bảo đảm quản lý chặt “vùng đỏ”, giữ vững an toàn “vùng xanh”. Có thể nói, đây là một cách làm khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện hạ tầng y tế, kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, là biện pháp khó, chưa có tiền lệ, nhưng Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng tổ chức tốt trên cơ sở sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân và chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện đã cho thấy những hiệu quả rõ nét.
Từng bước phục hồi kinh tế
Trong giai đoạn cấp bách chống dịch Covid-19, mặc dù thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, chỉ đóng cửa các chợ cóc và điều chỉnh lại hoạt động của các chợ dân sinh, siêu thị và cửa hàng tiện ích, đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng, chống dịch. Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men của người dân trong thời gian giãn cách vừa qua không bị đứt gãy, vừa tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định, tất cả các công việc thành phố triển khai theo chỉ đạo của trung ương và sự chủ động của mình, công tác phòng, chống dịch của thành phố đang đi đúng hướng, nhận được sự vào cuộc của đông đảo nhân dân.
![]() |
Các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả rõ nét |
Về nhiệm vụ sau ngày 15/9, quan điểm của TP. Hà Nội cũng như thực tiễn đặt ra là không thể và không nên giãn cách mãi. Vì vậy, trên cơ sở các kết quả đạt được trong phòng, chống địch và khả năng ngăn chặn, khóa chặt được các ổ dịch trên địa bàn cũng như chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm sắp cán mục đích đặt ra, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các địa phương vùng 1 phải tính toán, nghiên cứu, sớm có định hướng cho giai đoạn chống dịch sau thời hạn giãn cách ngày 21/9. Đối với vùng 2,3 chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ.Cùng với đó, các quận, huyện, ngành phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, để đến khi thành phố có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, bắt tay ngay vào triển khai, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế, nhiều doanh nghiệp Hà Nội cũng đang chủ động triển khai mô hình an toàn Covid-19 trong sản xuất, cụ thể đã có 4.337 doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, các công đoàn trong doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động “Tổ An toàn Covid-19”; phối hợp chính quyền đồng cấp, lãnh đạo doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép: “Vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất, kinh doanh an toàn”. Đặc biệt, đến nay, đã có 615 điểm “Vùng xanh doanh nghiệp” được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động, điển hình, Liên đoàn Lao động quận/huyện: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình; huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thanh Oai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh…
Nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt và xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trên hết và trước hết, trong suốt “cuộc chiến” với dịch Covid-19, Hà Nội đã giữ được thế chủ động, giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không làm đứt gãy sản xuất. |