Sau 25 năm (28/11/1996-28/11/2021) phát triển, TTCK Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc, khẳng định được vai trò như một trụ cột không thể thiếu trong thị trường tài chính, giúp các doanh nghiệp (DN) huy động nguồn vốn dài hạn để phục vụ sản xuất, kinh doanh (huy động vốn qua TTCK năm 2020 đạt trên 37% GDP), giúp các nhà đầu tư có một kênh đầu tư sinh lời minh bạch, hiệu quả.
Tính đến tháng 10/2021, qui mô TTCK Việt Nam đã đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương trên 133,8% GDP, với 2.133 DN niêm yết và đăng ký giao dịch, đạt hơn 181 tỷ chứng khoán; thanh khoản thị trường luôn ở mức cao, trong đại dịch vẫn có những phiên giao dịch thăng hoa.
Ông Vũ Đức Tiến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), đánh giá: TTCK đang chuyển mình phát triển bền vững. Lý do, trong 2 năm qua, dù đại dịch tác động khó khăn, TTCK vẫn có những chỉ số rất lạc quan. Qui mô thị trường từ mức hơn 80% GDP năm 2020, đến nay đã tăng lên trên 133% GDP; qui mô giao dịch từ hơn 14 ngàn tỷ đồng/phiên năm 2020, thời điểm này đã tăng lên trên 20 ngàn tỷ đồng/phiên. Số lượng nhà đầu tư từ hơn 1 triệu tài khoản trong mấy năm gần đây, tới nay đã lên đến gần 4 triệu. Theo ông Vũ Đức Tiến, thành tựu phát triển của TTCK Việt Nam có nhiều yếu tố, trong đó Chính phủ luôn kiên định phát triển thị trường theo hướng minh bạch, an toàn, hiệu quả, từng bước tái cơ cấu.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam mới qua giai đoạn đầu phát triển, qui mô chưa tương xứng với nền kinh tế, tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán còn thấp, đầu tư vẫn mang nặng tính đầu cơ hơn là chú trọng tìm kiếm các giá trị dài hạn. Để TTCK phát triển bền vững, tương xứng với qui mô nền kinh tế cần có những định hướng, giải pháp mang tầm chiến lược.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Thi, cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về Chiến lược TTCK đến 2030-2045, với quan điểm phát triển TTCK đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ; mở rộng và nâng cao chất lượng TTCK trên cơ sở chú trọng ứng dụng công nghệ (công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); quản lý giám sát bằng pháp luật, đảm bảo minh bạch, an toàn, bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư…
Mục tiêu đặt ra là phát triển TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế, hội nhập gắn với thị trường khu vực và quốc tế.
Cụ thể, phát triển TTCK theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và tính thanh khoản; thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP đã điều chỉnh năm 2025, đạt 110% GDP năm 2030; thị trường trái phiếu đạt 47% năm 2025, đạt 58% GDP năm 2030; cơ cấu cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hợp lý; tốc độ tăng qui mô giao dịch chứng khoán phái sinh đạt 20-30%/năm, số lượng nhà đầu tư chứng khoán phái sinh đạt 5% dân số năm 2025, đạt 8% dân số năm 2030; cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân và trong nước, ngoài nước trên thị trường phái sinh hợp lý.
Thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, cơ cấu lại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX); tổ chức lại Trung tâm Lưu lưu ký chứng khoán Việt Nam thành Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và thanh toán bù trừ; đồng bộ các công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán; hướng tới nâng hạng TTCK Việt Nam trước năm 2025 theo các tiêu chuẩn phân hạng phù hợp; nâng cao năng lực của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư ETF, quỹ đầu tư trái phiếu... Đảm bảo vận hành TTCK an toàn, lành mạnh, minh bạch, nâng cao năng lực quản lý, giám sát; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm. Chủ động hội nhập quốc tế, phấn đấu trở thành một trong 4 TTCK lớn trong ASEAN.
Để thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Đức Thi, cho biết, sẽ có các nhóm giải pháp tổng thể về hoàn thiện khung khổ pháp lý; nâng cao năng lực quản lý, giám, sát và cưỡng chế thực thi; tăng cung hàng hóa có chất lượng cho thị trường; đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư, tổ chức thị trường hiện đại, phát triển các tổ chức trung gian thị trường; phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa và tiền tệ.
Trước mắt trong năm 2022, các giải pháp Bộ Tài chính sẽ thực hiện hoặc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện làm nền tảng cho TTCK phát triển, đó là: Tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối tài chính quốc gia lành mạnh, vững chắc; có gói kích thích kinh tế mới với qui mô thích hợp để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển hạ tầng kỹ thuật hiệu quả cao. Tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh (miễn, giảm thuế, lệ phí, trong đó có TTCK). Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm đảm bảo TTCK hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, công bằng. Xây dựng và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để quản lý, giám sát, đảm bảo giảm thiểu các rủi ro cho các nhà đầu tư và các chủ thể khác; đưa vào hoạt động Sở Giao dịch chứng khoán việt Nam; giải quyết kịp thời, chất lượng, đúng pháp luật các yêu cầu của các tổ chức, cá nhân, DN tham gia TTCK.