Bắc Giang hiện có 39 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, với đa dạng các lĩnh vực như: Mây tre đan, sản xuất gốm, mỳ gạo, mộc dân dụng… Mặc dù sản phẩm của một số làng nghề đã tạo được uy tín trên thị trường nhưng vẫn có không ít làng lâm vào tình cảnh khó khăn, sản xuất cầm chừng. Các cơ sở sản xuất chủ yếu có quy mô nhỏ, cạnh tranh yếu, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Đặc biệt, do thu nhập từ nghề không cao, lại bị các khu, cụm công nghiệp thu hút lao động, không ít làng nghề trên địa bàn bị thiếu nhân lực, nhất là nhân lực trẻ có khả năng tiếp thu và sáng tạo tốt.
![]() |
Thiếu nhân lực là một trong những rào cản phát triển làng nghề |
Tình trạng trên của làng nghề tỉnh Bắc Giang phản ánh một phần hiện trạng chung của khu vực làng nghề cả nước. Báo cáo mới đây của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, một bộ phận làng nghề lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, quy mô sản xuất nhỏ, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thậm chí có làng rơi vào cảnh mai một.
Đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề là hộ gia đình với thiết bị sản xuất thủ công và bán cơ khí; mẫu mã sản phẩm đơn điệu, chậm thay đổi, nên năng lực cạnh tranh thấp; cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường bị xuống cấp, dẫn đến tình trạng ô nhiễm tăng cao, khó kiểm soát; sự chồng chéo trong công tác quản lý chung đối với các làng nghề bộc lộ nhiều mâu thuẫn, bất cập trong phát triển bền vững.
Trước những bất cập trên, với vai trò là đơn vị quản lý làng nghề công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, Cục Công Thương địa phương đề xuất nhiều giải pháp khắc phục, đồng thời định hướng cho sự phát triển bền vững của các làng nghề.
Theo đó, ngành Công Thương sẽ lồng ghép chính sách hỗ trợ làng nghề với các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm ưu tiên đầu tư mạng lưới cơ sở hạ tầng trong các làng nghề, nhất là làng nghề nằm trong danh mục cần được bảo tồn, làng nghề đã được công nhận. Với các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không có khả năng phát triển độc lập, ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Đối với làng nghề, làng nghề truyền thống có khả năng phát triển độc lập, bền vững, ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu nhưng có thu hồi lại vốn theo quy mô đầu tư của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại làng nghề.
Hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tổ chức thực hiện cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề có cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Xây dựng bộ tư liệu, thông tin về các làng nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố làm cơ sở quảng bá, phát triển du lịch làng nghề.
Khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi tham gia thiết kế mẫu mã tạo ra sản phẩm giữ được nét truyền thống mà vẫn đáp ứng được thị hiếu. Tiếp tục hỗ trợ mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại làng nghề nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành hạ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Ngành Công Thương tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản; khuyến khích, đầu tư hỗ trợ cho các nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới trong các làng nghề. Ban hành chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động trong các cụm công nghiệp cải tiến công nghệ sản xuất và áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường tại các cơ sở...
Tính đến giữa năm 2019, cả nước có 2.901 làng nghề và làng có nghề, 1.288 làng nghề đã được công nhận, tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất trong làng nghề đạt khoảng 49.000 tỷ đồng. |