Theo Bộ Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Nhật Bản, các nghề thủ công (tiếng Nhật gọi là Kôgei Gijutsu) được chia thành tám nhóm gồm: Gốm, dệt may, sơn mài, gia công kim loại, chế tạo búp bê, tre, gỗ và giấy. Trong mỗi nhóm này lại chia thành các nhóm nhỏ hơn.
![]() |
Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ kết nối địa phương tổ chức hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế để trưng bày và tiếp thị sản phẩm làng nghề truyền thống |
Cách định nghĩa này nhận được sự đồng tình của Hiệp hội các nghề thủ công Nhật Bản. Những người làm việc trong ngành thủ công đủ điều kiện gồm có các cá nhân, hay còn gọi là nghệ nhân (có Chứng nhận nghệ nhân) hoặc là nhóm (Chứng nhận nhóm) - để đưa vào danh sách bảo tồn quốc gia sống của Nhật Bản (hàng thủ công).
Mỗi nghề đòi hỏi một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ năng chuyên ngành nhưng về cơ bản có 5 điều kiện để được chính thức công nhận là sản phẩm thủ công truyền thống của Nhật Bản và được Chính phủ bảo vệ, gồm: Được tạo ra bởi kỹ thuật điêu luyện và có yếu tố nghệ thuật; là mặt hàng chủ yếu phục vụ đời sống hàng ngày (đủ thực tế để thường xuyên sử dụng); có tính thủ công nghiệp, với các công đoạn sản xuất chính được thực hiện bằng tay; phải được chế tạo bởi kỹ thuật truyền thống có lịch sử 100 năm trở lên; phải được sản xuất trong một khu vực nhất định (làng nghề) trong đó có ít nhất 10 cơ sở sản xuất và 30 người theo nghề.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 (năm 1945), nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với những khó khăn lớn và phải nỗ lực để phục hồi. Chính phủ Nhật Bản khi đó đã đưa ra một chương trình mới được gọi là Kho bảo tồn sống của quốc gia để nhận biết và bảo vệ những người thợ thủ công (cá nhân và theo nhóm) ở cấp độ mỹ thuật và dân gian. Chính phủ cũng ban hành danh sách đi kèm với sự hỗ trợ tài chính cho việc đào tạo các thế hệ nghệ nhân mới để các loại hình nghệ thuật có thể tiếp tục.
Năm 1950, Nhật Bản đã phân loại tài sản văn hóa phi vật thể, lựa chọn các ngành nghề được coi là tài sản văn hóa có giá trị lịch sử hoặc nghệ thuật cao về mặt kỹ thuật thủ công. Năm 1974, Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống được Nghị viện Nhật Bản thông qua, mở đường cho nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ để phát triển các làng nghề truyền thống của mỗi địa phương nhằm phát triển các sản phẩm làng nghề phù hợp với thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước. Luật này đưa ra các nguyên tắc quan trọng gồm: Xác định sản phẩm thủ công; chính quyền địa phương bảo lãnh; xây dựng kế hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ; đào tạo đội ngũ kế nghiệp, marketing, giới thiệu kỹ thuật thủ công truyền thống; nghiên cứu vật liệu; sử dụng lao động địa phương; thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm.
Khả năng ứng dụng tại Việt Nam
Khi đúc rút các kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản và khả năng ứng dụng tại Việt Nam, có thể thấy điểm nhấn ở một số nhóm chính sách sau đây:
Các chính sách về phát triển sản phẩm: Không khó để nhận thấy các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản đều có sự tinh tế và trau chuốt kỹ lưỡng, và thường đạt đến trình độ một tác phẩm nghệ thuật. Để làm được điều đó, trong nhiều năm, các hiệp hội ngành nghề thủ công của Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến chất lượng và mẫu mã các sản phẩm thủ công, để phù hợp với thị hiếu và tiêu chuẩn thị trường trong và ngoài nước. Năm 2009, Chính phủ Nhật Bản đưa thành công vải lụa yuki-tsumugi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Nhật Bản cũng đầu tư mạnh công tác nghiên cứu nguyên vật liệu thay thế cho vật liệu truyền thống đang ngày một cạn kiệt. Ví dụ sợi tơ thô trong sản xuất vải lụa, sơn dùng trong sơn mài, vật liệu gỗ và đá quý, vật liệu làm giấy truyền thống Nhật Bản... đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Để giải quyết vấn đề này, nhiều dự án tìm kiếm nguyên vật liệu thay thế, sản xuất hàng mẫu bằng nguyên vật liệu đã được thực hiện và giải quyết được nhiều nút thắt về đầu vào cho sản xuất.
Chính quyền các địa phương cũng có hệ thống riêng để nhận biết và bảo vệ nghề thủ công địa phương, thực hiện chính sách bảo lãnh cho sản phẩm. Các sản phẩm làng nghề truyền thống nếu được công nhận, Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại do chính quyền địa phương đảm nhiệm.
Vai trò quan trọng của các hiệp hội làng nghề truyền thống. Với nòng cốt quan trọng là các hợp tác xã hoạt động tích cực nhằm khuyến khích phát triển nghề thủ công truyền thống. Các hiệp hội đã triển khai nhiều dự án về các lĩnh vực khác nhau và được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương; thành lập Trung tâm làng nghề thủ công truyền thống quốc gia, có chức năng cung cấp thông tin về nghề thủ công truyền thống. Đây cũng là nơi triển lãm, cung cấp tài liệu, sách báo, phim, ảnh về các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản… để trao đổi thông tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Triển lãm Kôgei truyền thống Nhật Bản diễn ra hàng năm với mục đích tiếp cận với công chúng.
Sức mạnh của đào tạo thế hệ kế cận: Trong bối cảnh đô thị hóa, hiện đại hóa tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội nói chung, các nghệ nhân của khu vực tư nhân Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức để giữ đúng truyền thống, đồng thời tạo ra ý tưởng mới để tồn tại và phù hợp với khách hàng. Họ cũng phải đối mặt với những vấn đề của một xã hội dân số già và việc truyền nghề cho thế hệ trẻ gặp khó khăn, nhiều nghệ nhân thậm chí còn không tìm được người kế vị.
Khi các quy tắc xã hội thay đổi và trở nên thoải mái hơn, hệ thống "cha truyền con nối" truyền thống đã buộc phải thay đổi. Trong quá khứ, nam giới chủ yếu là người nắm giữ các danh hiệu "bậc thầy" trong các nghề thủ công uy tín nhất. Nghệ nhân gốm Tokuda Yasokichi IV là người phụ nữ đầu tiên kế vị cha mình với tư cách là truyền nhân chính thức do cha của bà không có con trai. Mặc dù hiện đại hóa và tây phương hóa, một số loại hình nghệ thuật vẫn tồn tại, một phần do mối liên hệ chặt chẽ với các truyền thống nhất định, ví dụ như trà đạo Nhật Bản.
Phát triển nguồn nhân lực có khả năng kế tục phát triển làng nghề là yêu cầu cấp thiết đối với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của Nhật Bản. Thay vì lưu giữ chế độ "cha truyền con nối", các nghệ nhân tiền bối hay các kỹ thuật viên giỏi của khu vực sản xuất được khuyến khích, tạo điều kiện để người hướng dẫn tiếp tục cho các thế hệ trẻ. Chính phủ hỗ trợ tài chính và nguồn nguyên vật liệu, công tác nghiên cứu, truyền thông cho các hoạt động đào tạo này.
Có hai hình thức đào tạo chính. Một là, các nghệ nhân có tay nghề cao (được công nhận là "người làm công tác bảo tồn") truyền thụ bí quyết nghề cho một số thợ học việc tại cơ sở sản xuất của họ (chế độ đồ đệ); hai là, chính họ giảng dạy tại các trường nghề của địa phương (chế độ nhà trường). Hiện nay, hầu hết mỗi sanchi (vùng sản xuất) đều có hệ thống đào tạo riêng. Các thợ thủ công sản xuất hàng thủ công truyền thống được mời đến các trường tiểu học, trung học cơ sở thuyết trình về kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất để học sinh từ nhỏ có thể làm quen được với các phương pháp, công nghệ, vật liệu,… nhằm đào tạo thợ thủ công trong tương lai và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống.
Phát huy sức mạnh của cộng đồng: Một trong những thành công lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực này là phát huy được vai trò của công tác cộng đồng trong việc bảo tồn và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm cho phù hợp thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường cũng rất quan trọng, góp phần sàng lọc và đưa ra thị trường các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Nhật Bản ngày càng được giữ vững và mở rộng, tạo điều kiện cho kinh tế của mỗi làng, mỗi xã ngày càng phát triển. Nhật Bản xây dựng các khu triển lãm các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống quốc gia để giới thiệu đến đông đảo cộng đồng và đây cũng là nơi lưu giữ tài liệu về các địa phương có nghề thủ công.
Thành công của xúc tiến thương mại tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với du lịch và phát triển các giá trị văn hóa. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ kết nối địa phương tổ chức hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế để trưng bày và tiếp thị sản phẩm làng nghề truyền thống. Hoạt động này trở nên hiệu quả hơn khi kết hợp với hoạt động thu hút du lịch, tuyên truyền quảng bá về giá trị văn hóa của Nhật Bản.