Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong 3 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Mới đây nhất, tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Thủ tướng đã trực tiếp đi xuống vùng đỏ, đến những nơi khó khăn nhất để “trăm nghe không bằng một thấy”, trực tiếp thăm hỏi ân cần các F0 điều trị tại nhà, kiểm tra công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân…
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo cuộc họp trực tuyến về phòng, chống dịch với 1.060 xã, phường |
Tại các địa điểm ghé thăm, Thủ tướng lưu ý, chính quyền các cấp phải tranh thủ “thời gian vàng” này để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể; sử dụng mọi nguồn lực bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội để người dân yên tâm chống dịch. Đặc biệt, từ những những kết quả tích cực ban đầu mà các cơ sở y tế phường mang lại, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phương châm điều trị ngay tại xã, phường là rất cần thiết và đúng đắn. Theo đó, cần tăng cường lực lượng y tế, trang thiết bị y tế ở ngay xã, phường và phải khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm hỗ trợ y tế cho người dân”.
Chỉ đạo cuộc họp trực tuyến về phòng, chống dịch với 1.060 xã, phường tại 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nhắc lại những cái được và chưa được mà Thủ tướng đã “mắt thấy tai nghe” khi đi thực tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định phải sống chung lâu dài với dịch bệnh. Do đó, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chống là quan trọng, thường xuyên”.
Trước lãnh đạo 1.060 xã, phường, thị trấn, Thủ tướng một lần nữa phân tích kỹ hơn về phương châm “lấy xã, phường làm pháo đài chống dịch”. Theo Thủ tướng, người dân cư trú chủ yếu là ở xã, phường, thị trấn (trừ các lực lượng như quân đội, công an…), đây cũng là nơi sát dân nhất, gần dân nhất, đến với nhân dân nhanh nhất, nhiều nhất. Chính vì vậy, hơn ai hết, lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã phải quán triệt, thấm nhuần, nắm chắc tất cả các quy định phòng, chống dịch, nội dung nào liên quan tới người dân thì phải quán triệt đến từng người dân.
Thực tế, những nơi tăng cường giãn cách có sức ép rất lớn về an sinh xã hội, y tế, an ninh trật tự. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng tăng cường, Thủ tướng yêu cầu cấp xã, phường, thị trấn phải làm thật tốt các công việc như: Kêu gọi, vận động, tổ chức người dân thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch; cung cấp các gói an sinh xã hội; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất; tổ chức xét nghiệm, tiêm vắc-xin ngay tại xã phường; thực hiện kiểm soát việc đi lại để “ai ở đâu ở đó”. Hình thành các lực lượng vận chuyển hàng hóa đảm bảo an toàn đến xã, phường… Duy trì giao ban hiệu quả hàng ngày từ Ban chỉ đạo cấp xã, phường lên huyện, tỉnh, Trung ương.
“Các xã, phường, thị trấn cung cấp ngay các số điện thoại khẩn cấp tới từng gia đình, từng khu dân cư để người dân có thể gọi ngay khi đói ăn, khi ốm đau. Người dân có bức xúc phải giải thích ngay. Chiến thắng dịch bệnh hay không do dân quyết định nên dân phải tham gia. Người dân là trung tâm, là chủ thể” - Thủ tướng lưu ý.
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 gần 2 năm qua đang cho thấy; xã, phường nào đảm đương tốt vai trò hướng dẫn, chỉ đạo nhân dân phòng, chống dịch thì nơi ấy ý thức phòng ngừa của người dân rất tốt; dịch bệnh ít xâm nhập. Mô hình “Tổ COVID-19 cộng đồng”, “Tổ truy vết” đang hoạt động hiệu quả tại nhiều địa phương chính là những ví dụ điển hình.
Hiện nước ta có 10.599 xã, phường, thị trấn. Nếu mỗi xã, phường phát huy tốt vai trò của một “pháo đài” chống dịch thì Việt Nam sẽ có được có chừng đó “pháo đài” (chưa kể các cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị công an, quân đội…). Trong những pháo đài ấy, mỗi người dân không nhất thiết phải xông pha tuyến đầu cùng đội ngũ y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội; song vẫn có thể trở thành “chiến sĩ” trong trận chiến với “giặc COVID-19” bằng cách thực hiện nghiêm quy định 5K, “ai ở đâu ở yên đó”; tự giác khai báo y tế; kịp thời thông báo các thông tin liên quan tới dịch bệnh với tổ phòng, chống COVID cộng đồng của thôn, bản/khu phố.