![]() |
Theo ban tổ chức, ngoài 15 tỉnh, thành phố trong khu vực, còn có gần 20 doanh nghiệp ngoài khu vực tham gia hội nghị này. Đây là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giao thương, kết nối cung - cầu, liên kết vùng…
Báo cáo của Cục Công Thương địa phương cho biết, năm 2017, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công của khu vực là 259.495,36 triệu đồng, tổng kinh phí thực hiện là 238.903,44 triệu đồng. Năm 2018, kế hoạch kinh phí được duyệt là 46.946 triệu đồng. 6 tháng đầu năm, toàn vùng đã tạm ứng 15.284 triệu đồng đạt 32,56% kế hoạch.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở Công Thương cùng nhiều doanh nghiệp đã thảo luận nhiều đề tài thiết thực như: Bảo vệ, xây dựng và phát triển thương hiệu, trao đổi kinh nghiệm về những vướng mắc mà cán bộ ngành, doanh nghiệp đã vượt qua hoặc chưa vượt qua,... Từ đó, các đại biểu cùng phân tích, đưa ra những giải pháp tháo gỡ hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
![]() |
Nhiều sản phẩm, đặc sản của các địa phương được trưng bày tại hội nghị |
Theo các đại biểu, chính sách khuyến công phải được triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ khâu sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, cho đến phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ,... Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm đến hoạt động kết nối cung-cầu. Theo đó, kết nối cung-cầu để đạt hiệu quả cao phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phải có phương pháp cụ thể; các đề án phát triển thị trường gắn liền với đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Cũng tại hội nghị, chương trình phát triển năng lượng tái tạo được nhiều đại biểu quan tâm. Theo các đại biểu, hiện nay, tiềm năng điện mặt trời, năng lượng tái tạo đang được chú trọng. Trên địa bàn các tỉnh đã có nhiều dự án được phê duyệt, khởi công. Song, tình hình phát triển của các dự án này lại rất chậm vì nhiều lý do, phần lớn là chủ quan. Vì vậy, riêng lĩnh vực này, nhiều ý kiến đề nghị, Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ có định hướng cụ thể về phát triển nguồn năng lượng mặt trời như cơ cấu tỷ lệ nguồn điện mặt trời, quy hoạch đấu nối trong hệ thống điện quốc gia cho phù hợp với tình hình thực tế,...
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - nhấn mạnh: 15 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, trong tình hình diễn biến của nền kinh tế có nhiều phức tạp, để có thể phát triển nhanh, mạnh, cần giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến tốc độ tăng trưởng, chú trọng quản lý thị trường, cùng chia sẻ kinh nghiệm chống hàng giả. Theo ông Ngô Quang Trung, các trung tâm khuyến công cần chú ý đề xuất, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn khuyến công; đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh,... Các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng mục tiêu; khuyến công phải gắn với quy hoạch, kế hoạch,...
Năm 2017, vượt qua khó khăn, nhiều tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt giá trị sản xuất công nghiệp cao như: Ninh Thuận và Quảng Ngãi (+ 16,6%); Kon Tum (+14,6%); Đăk Nông (+13,5%): Gia Lai (+12,4%); Thừa Thiên Huế (+11,9%),... |