![]() |
Không nâng vốn dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ
Về tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án: Một là, giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là mức vốn từ 10.000 tỷ đồng. Hai là, điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành.
Cụ thể, liên quan đến tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (điều 7 và Điều 10), phương án 1 là giữ như Luật hiện hành, theo đó quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia phải được Quốc hội quyết định là 10.000 tỷ đồng, các tiêu chí cho dự án nhóm A, B, C không thay đổi so với hiện hành. Do đã có 75,83% tổng số đại biểu quốc hội tán thành phương án này, nên phương án 2 (nâng tiêu chí tổng mức đầu tư lên 20.000 tỷ đồng, quy mô dự án nhóm A, B, C cũng nâng lên tương ứng 2 lần) không được tiếp tục biểu quyết.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), việc điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án trọng điểm quốc gia lên 20.000 tỷ đồng là chưa thỏa đáng. Mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay là không bất cập vì giai đoạn 2016-2020 chỉ có 2 dự án thực hiện không gặp phải vướng mắc nào. “Mức vốn 10.000 tỷ đồng hiện nay bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá, tăng trưởng, dự báo cho tương lai để đưa lên 20.000 tỷ đồng là không thuyết phục”- đại biểu Hoàng Quang Hàm lý giải.
Liên quan đến phân bổ 10.000 tỷ, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét, cân đối trong khoản ngân sách 10.000 tỷ từ nguồn vốn vay điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 tỷ lệ kinh phí phù hợp, hợp lý để bố trí cho dự án này, giúp tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư và các địa phương nơi đường cao tốc đi qua theo cam kết của Chính phủ. “Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh miền núi là chúng ta cần cân đối một lượng kinh phí thỏa đáng cho việc bố trí các công trình giải quyết vấn đề liên quan đến phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu”- đại biểu Bùi Thanh Tùng bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) cũng góp ý kiến về phân bổ 10.000 tỷ đồng, chúng tôi thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu là theo nghị quyết Quốc hội chúng ta đã có những thứ tự ưu tiên phù hợp, trong đó có việc ưu tiên cho việc phục vụ cho sản xuất, chống sạt lở kênh mương, kè đập, thủy lợi và những thứ liên quan đến đời sống dân sinh. “Theo đó, nên giảm tỷ lệ giải quyết cho các dự án về giao thông để tập trung cho các dự án phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân”- Nguyễn Quang Dũng nói.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) góp ý về phân bổ vốn đầu tư công |
Cần linh hoạt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn
Đề cập đến thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Phùng Văn Hùng ( đoàn Cao Bằng) chỉ ra, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thực hiện được 3,5 năm, thời gian còn lại chỉ còn 1,5 năm nhưng đến bây giờ Quốc hội mới thảo luận và cho ý kiến phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 hơi muộn. Sau khi Quốc hội thảo luận và quyết định phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020. Việc thực hiện các thủ tục cần thiết mất từ 6 tháng đến 1 năm, như vậy thời gian còn lại để thực hiện không nhiều, chúng ta không thể bỏ qua quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật nhưng nếu vì cách làm của chúng ta mà không thể sử dụng được hết nguồn lực thuộc kế hoạch 2016 - 2020 thật đáng tiếc. “Đề nghị Chính phủ quan tâm nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục tình trạng này để các địa phương thực hiện linh hoạt đúng tiến độ”- đại biểu Phùng Văn Hùng lưu ý.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) chia sẻ, về thời gian thực hiện, chúng tôi băn khoăn liệu Chính phủ có bảo đảm giải ngân hết số vốn này nếu được giao trong giai đoạn 2016 - 2020 trong khi quá trình chuẩn bị đầu tư mất hàng năm và thời gian thực hiện kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 chỉ còn một năm rưỡi. Liệu có tình trạng mặc dù biết là chưa khả thi nhưng nhiều địa phương vẫn đưa vào danh mục để giữ chỗ chuẩn bị cho giai đoạn sau hay không?”
![]() |
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) phát biểu ý kiến |
“Cuối cùng, đề nghị Chính phủ tính toán thật kỹ, bố trí số vốn phù hợp cho các dự án khởi công mới đủ giải ngân hết giai đoạn 2016 - 2020 và đặc biệt là thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản”- đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc về Quốc hội. Nhưng, với gần 10.000 dự án, nếu mỗi dự án phát sinh điều chỉnh, thay đổi phải báo cáo xin ý kiến thì khối lượng công việc của Quốc hội rất lớn. “Vì vậy, đề xuất giao Chính phủ làm những việc cụ thể phát sinh trong quá trình làm dự án sẽ giúp công việc và điều hành của Quốc hội linh hoạt, nhẹ nhàng hơn”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.