Penang: Văn hóa đa sắc màu

Thành phố Penang là sự tổng hòa của các nền văn hóa đặc trưng nhất châu Á; được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới với hàng trăm địa chỉ lịch sử được bảo tồn nguyên vẹn. Penang cũng là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của Malaysia với trung tâm thương mại sầm uất, khu công nghiệp hiện đại…

Lịch sử - nguồn cội của sự phát triển

Năm 2006, Penang được trang Lonely Planet đưa vào danh sách 10 thành phố hấp dẫn nhất hành tinh. Dù là một trong những hòn đảo du lịch nổi tiếng nhất của châu Á, lượng khách du lịch quốc tế đổ về Penang không hề nhỏ nhưng sân bay quốc gia Bayan Lepas không bị quá ồn ào, đông đúc. Dòng xe taxi chờ đưa khách về trung tâm xếp ngay ngắn, việc gọi Grab cũng dễ dàng với mức chi phí tương đương, thậm chí thấp hơn Việt Nam.

\"penang

Đón chúng tôi là tài xế người Malaysia gốc Ấn. Suốt quãng đường từ sân bay về trung tâm thành phố George Town dài 18km là câu chuyện không ngớt của người tài xế về việc thăm quan Penang như một hướng dẫn viên thực thụ. Những tưởng là do may mắn bắt gặp được người lái xe như vậy, nhưng hơn 3 ngày tham quan trên đảo, dù di chuyển bằng phương tiện gì, các bác tài cũng luôn hồ hởi, giúp đỡ, chào đón chúng tôi như thể đưa đón người thân quen. Nhiều người lý giải, điều này là do cách làm du lịch quá chuyên nghiệp nhưng tôi lại cho rằng, đó là kết quả của quãng thời gian dài, người dân từ nhiều nền văn hóa, nhiều nguồn gốc khác nhau đã cùng chung sống, làm việc, xây dựng thành phố, khiến họ cởi mở, dễ dàng đón nhận và chia sẻ mọi điều.

Theo Lonely Planet Malaysia, từ lịch sử những ngày đầu thành lập, thuyền trưởng gốc Anh Francis Light - người xây dựng phát triển Penang từ năm 1786 - đã cho phép người nhập cư sở hữu những mảnh đất mà họ khai hoang được, cùng với việc miễn thuế tại cảng. Không khí tự do đã nhanh chóng thu hút người định cư đến từ khắp châu Á và cả châu Âu.

Câu chuyện này khá giống với phố cổ Hội An của Việt Nam xưa kia, nhưng điều đặc biệt, Light đã đề xuất, “mỗi sắc tộc đều có quyền gìn giữ những đặc trưng tôn giáo và dân sự của họ”. Vì thế, ngay từ 200 năm trước, George Town đã chứng kiến sự ra đời của trường học phi tôn giáo đầu tiên ở Đông Nam Á - Trường Penang Tự do, vốn cho phép học sinh lựa chọn được học bằng tiếng Anh hay tiếng mẹ đẻ - một điều cực kỳ khác thường vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, cũng phải trải qua rất nhiều thăng trầm cùng lịch sử châu Á lúc bấy giờ, chiến tranh, trở thành thuộc địa…, Penang mới chính thức có được tự do từ năm 1960. Nhưng nhờ sự cởi mở, áp dụng mô hình đầu tư kinh doanh thông minh mà nền kinh tế của đảo nhanh chóng phát triển. Hiện nay, nguồn kinh tế chính của Penang là du lịch và công nghiệp công nghệ cao.

Penang được báo chí ví như “Silicon Valley” của Đông Nam Á với hơn 300 công ty lớn, nhỏ, trong và ngoài nước đang tham gia đầu tư; những “ông lớn” như Intel, Renesas, Dell, Motorola, Bose... đều đã có mặt tại đây. Số lượng người lao động Việt tại các nhà máy này khá nhiều, đang có chiều hướng ngày càng tăng bởi việc đi lại thuận tiện giữa Việt Nam và Penang.

Sự pha trộn mạnh mẽ giữa các nền văn hóa

Chính vì lịch sử có tuổi đời hàng trăm năm, mỗi công trình kiến trúc ở Penang là một câu chuyện kể về quá khứ đáng nhớ của vùng đất này. Đó là sự hòa điệu giữa các nền văn hóa Anh, Ấn, Trung Quốc, Malaysia đứng bên nhau suốt chiều dài lịch sử.

Ngay tại George Town - trái tim của Penang, ấn tượng ban đầu về nơi đây phần lớn đặc trưng kiến trúc Trung Hoa với những dãy nhà cổ đầy màu sắc, vỉa hè được thay bằng dãy hành lang mái vòm chạy dài dọc các ngôi nhà. Nhưng hóa ra, ngay tại những khu phố ấy, bạn có thể vừa thấy nhà thờ Thánh George, vừa thấy đền Quan Thế âm Bồ Tát, rồi cả đền Ấn Độ Sri Mah Marianmman và thánh đường Hồi giáo Kapitan Keling.Thậm chí, hai ngôi chùa Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông lại nằm đối diện nhau trên cùng một con đường. Còn nếu đến thăm quan Kek Lok Si - ngôi chùa thờ Phật lớn nhất và quan trọng ở Penang được xây dựng từ năm 1893, bạn sẽ thấy sự kết hợp của ba nền kiến trúc Trung Hoa, Thái Lan và Myanmar.

\"penang
Bức tranh 3D trên tường, khách du lịch có thể tương tác cùng

Tất cả đời sống văn hóa tôn giáo tín ngưỡng, kiến trúc châu Á - Âu đều được hội ngộ tại Penang mà vẫn hòa hợp, tạo nên một màu sắc rất riêng nơi đây. Những điều này còn được minh họa bởi chính những hình vẽ graffiti 3D vốn đã quá nổi tiếng ở Penang. Không phải những mảng màu nóng rẫy, nổi loạn kiểu phương Tây, những bức tranh tường graffiti 3D ở Penang nên thơ một cách Á Đông.

Nghệ thuật đường phố ở Penang nói chung và George nói riêng là một tour khám phá tuyệt vời đưa du khách đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Thậm chí, để khám phá hết được, bạn cần có một tấm bản đồ như trong trò chơi thám hiểm, chưa kể những bức họa còn được liên tục vẽ thêm ở mỗi góc phố nhỏ khiến du khách mỗi lần đến Penang lại như được bắt đầu một hành trình mới.

Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu trong mỗi chuyến hành trình du lịch là ẩm thực. Người dân Penang rất tự hào cho rằng, ở đây có nền ẩm thực đa dạng và phong phú nhất Malaysia với những cửa hàng đồ ăn Hoa, Ấn, phương Tây nối nhau san sát trên tất cả các con đường. Đồ ăn đường phố với rất nhiều món ăn của các quốc gia lân cận cũng được bày bán trên những chiếc xe đẩy thô sơ nhưng đầy hấp dẫn, luôn kích thích vị giác của du khách.

Còn rất nhiều điều để nói về Penang, những ngôi nhà cổ, bảo tàng nghệ thuật, công viên quốc gia, bãi biển xưa cũ hay được quy hoạch hiện đại ngay trong thành phố để ai đến Penang cũng tìm thấy được những góc riêng của mình... Tin tôi đi, Penang vừa thân quen vừa kỳ lạ, chắc chắn là điểm du lịch mà bạn không chỉ muốn đến một lần trong đời!

Thu Hà
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận