Những kỷ niệm khó quên
Đứng đầu một cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài không phải là nhiệm vụ dễ dàng và những \"lần đầu tiên\" bao giờ cũng là kỷ niệm đáng nhớ.
Không thể quên được khó khăn khi xúc tiến xuất khẩu (XK) trái vải - loại trái cây đầu tiên được thị trường Australia \"mở cửa\", bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Đại diện Thương mại Việt Nam tại Australia kiêm Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney - chia sẻ, vải là loại trái cây Việt đầu tiên được cấp phép XK vào Australia và nếu thành công, sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều loại nông sản khác. Tuy nhiên, do trái vải rất dễ hư hỏng nên không có doanh nghiệp (DN) nào mặn mà thực hiện.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy (thứ 4 từ trái sang) tại sự kiện quảng bá thanh long Việt Nam tại Australia |
\"Để đưa được trái vải vào thị trường, Thương vụ đã phải vận động một số DN nhập khẩu và \"làm liều\", cam kết rằng sẽ bảo đảm tiêu thụ hết những lô hàng đầu tiên. Thực hiện cam kết đó, Thương vụ đã đề nghị các chủ nhà hàng, siêu thị Việt ưu tiên mua vải từ các nhà nhập khẩu thử nghiệm; đăng một số công thức chế biến món ăn từ vải, kèm hình ảnh hấp dẫn; phát động ngày vải, tuần vải Việt Nam… Nhờ đó, những lô vải năm đầu tiên đã thâm nhập thị trường thành công, mở hàng cho nhiều loại nông sản sau này như xoài, thanh long… chinh phục thị trường Australia\" - bà Thúy chia sẻ.
Tận dụng tối đa mọi cơ hội để quảng bá sản phẩm, thương hiệu Việt Nam là cách mà nhiều tham tán nữ đã và đang tích cực thực hiện. TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Trưởng Bộ phận Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore – nhớ lại, năm 2018, Thương vụ Việt Nam tại Singapore vinh dự tổ chức thành công 2 sự kiện thương mại lớn, chào đón sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, phải kể đến sự kiện Thủ tướng đến cắt băng khai mạc Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore, diễn ra tại 146 điểm siêu thị trên toàn chuỗi cửa hàng của Tập đoàn FairPrice.
“Tại đây, chúng tôi đã mời một đầu bếp nổi tiếng từ Việt Nam sang Singapore để thực hiện chương trình giao lưu ẩm thực nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tại mỗi gian hàng Việt Nam, chúng tôi bố trí một kệ trưng bày các sản phẩm và món ăn dùng thử” – TS Trần Thu Quỳnh kể. Tới dự buổi khai mạc Tuần lễ hàng Việt Nam có rất nhiều quan chức cấp cao của Singapore, trong đó có ông Goh Chok Tong, Bộ trưởng cấp cao, nguyên Thủ tướng Singapore. “Chúng tôi đã rất hồi hộp và lo lắng vì không dám chắc liệu Thủ tướng và các quan chức cấp cao có dùng thử món ăn Việt Nam hay không. Nhưng hơn cả mong chờ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không chỉ dừng chân tại từng gian hàng mà còn đích thân giới thiệu và mời các quan chức của bạn dùng thử các sản phẩm Việt Nam. Thủ tướng còn căn dặn: “Thủ tướng đã đích thân đi bán hàng cho DN, DN phải chú trọng đảm bảo chất lượng”. Hình ảnh và lời căn dặn đó có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với DN và cũng cho chúng tôi thấy rằng, mình đã đi đúng hướng” – TS Trần Thu Quỳnh nói.
![]() |
TS Trần Thu Quỳnh (áo dài đỏ) giới thiệu các sản phẩm Việt Nam cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore 2018 |
Với bà Vũ Việt Nga - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm 2017, Thương vụ tổ chức hội chợ những ngày hàng Việt Nam tại Philippines khi bà đang mang bầu 7 tháng. Bà Vũ Việt Nga bồi hồi nhớ lại: \"Công việc gấp rút, có những hôm, 2 giờ sáng, tôi vẫn phải \"bế\" bụng bầu đến tận nơi tổ chức để chỉ đạo lắp đặt khu gian hàng. Vất vả như vậy, nhưng vì công việc, vì mục tiêu đưa hàng Việt Nam vươn xa, khó khăn đến mấy cũng sẽ khắc phục được\".
![]() |
Bà Vũ Việt Nga (thú 4 từ phải sang) cùng Thương vụ tổ chức gian hàng giới thiệu các công ty sản xuất vật liệu xây dựng tại Triển lãm Vật liệu xây dựng Quốc tế Manila WORLDBEX. |
Mềm mỏng, linh hoạt là thế mạnh
Từ những bài học xúc tiến thương mại thành công, có thể thấy, tham tán nữ có những lợi thế nhất định và bí quyết riêng khi thực hiện công tác xúc tiến thương mại. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho rằng, lợi thế lớn nhất của các nữ tham tán là mềm mỏng, linh hoạt hơn trong giao tiếp, chào hàng. Bên cạnh đó, có năng khiếu hơn so với các đồng nghiệp nam trong việc nắm bắt nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, giá hàng hóa… Đây là yếu tố quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại.
![]() |
Bà Lê Thị Phương Hoa (thứ 3 từ trái sang) tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt kinh doanh tại Lào nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi |
Chung nhận định, bà Lê Thị Phương Hoa - Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại thị trường Lào cho rằng, phụ nữ có những thuận lợi nhất định khi làm công tác xúc tiến thương mại hàng Việt ở nước ngoài do đức tính tỉ mỉ, cần cù, chăm chỉ, sự uyển chuyển, khéo léo, mềm mại trong xử lý công việc, chào hàng, nắm bắt nhu cầu.
![]() |
Hàng Việt tại Singapore |
Thêm nữa, TS. Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh: Phụ nữ Việt Nam có vai trò truyền thống \"tay hòm chìa khóa\", đảm trách nhiệm vụ \"cơm áo\" cho gia đình nên có thế mạnh nắm chắc cơ cấu mặt hàng, giá thị trường và địa lý của từng địa phương có các sản phẩm XK. Phụ nữ làm ngoại giao lại càng có lợi thế trong tiếp xúc, vận động các cơ quan quản lý của bạn nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Việt Nam. Tuy vậy, công tác xúc tiến thương mại đòi hỏi phải lăn lộn thị trường, tiếp xúc với nhiều DN. Nhiều thị trường rộng lớn, để hoàn thành công tác xúc tiến thương mại không đơn giản, không tránh khỏi vất vả. Ngoài ra, \"bài toán\" khó nhất với các nữ tham tán là phải cân bằng được giữa công việc và gia đình. Nhiều tham tán nữ không có chồng đi theo nên gặp phải áp lực rất lớn, vì ngoài công việc còn phải một mình chăm sóc con cái, việc cân bằng giữa vai trò, trọng trách của một đại diện thương mại tại nước ngoài và vai trò, thiên chức làm mẹ không dễ.
Tuy nhiên, cần mẫn như những con ong hút mật cho đời, những giọt mồ hôi đổ xuống đã và đang giúp đổi lấy những kiện hàng “Made in Vietnam” vươn xa. Sau những sự kiện xúc tiến thương mại ồn ào, sau những khoảng thời gian kéo dài trăn trở, “quả ngọt” chính là sự ghi nhận của đối tác với hàng hóa Việt Nam. Như lời bà Vũ Việt Nga chia sẻ: “Một đối tác là Chủ tịch một Hiệp hội DN Philippines trong lần đầu tổ chức đoàn DN hội viên sang Việt Nam từng nói rằng: “Chúng tôi tới Việt Nam vì tôi tin những gì bà giới thiệu, quảng bá về năng lực của Việt Nam là thật, và chúng tôi tin là cơ hội hợp tác với Việt Nam sẽ rất nhiều”. Đây chính là thành quả tuyệt vời cho những người làm xúc tiến thương mại”.
Cần mẫn như con ong hút mật cho đời, những giọt mồ hôi đổ xuống của các nữ tham tán trong nhiều chương trình xúc tiến thương mại đã và đang giúp đưa nhiều kiện hàng \"Made in Vietnam\" vươn xa. |