Nữ doanh nhân "vác tù và" cho môi trường

Âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ với những hành động thiết thực để lan tỏa thông điệp "Tử tế với môi trường", nữ doanh nhân Nguyễn Thị Kim Liên quan niệm "Hãy đi từ những hành động nhỏ nhất, xuất phát từ ý thức và khả năng của bản thân, mỗi người thay đổi thì thế giới sẽ thay đổi".

Từ chọn tiện lợi hay bền vững

Nhắc lại việc chuyển từ chai nước dùng một lần sang chai thủy tinh, chị Nguyễn Thị Kim Liên – Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (Đà Nẵng) - cho biết, đó là một quyết định được đưa ra nhanh chóng khi lựa chọn giữa sự tiện lợi và tính bền vững. "Con trai đã đề nghị tôi lựa chọn giữa dùng chai nước nhựa sử dụng 1 lần (sự tiện lợi cho bản thân) với chai thủy tinh (tính bền vững cho cả mình và mọi người). Tôi chọn bền vững", chị Liên nói và cho biết, sau khi được con tặng 2 chai thủy tinh chứa nước chị nảy ra suy nghĩ "Tại sao mình không tặng khách hàng làm dịch vụ tại công ty của mình những chai thủy tinh như thế, để nhắc nhở họ thay đổi thói quen sử dụng chai nước một lần, không phải bằng lời nói mà bằng hành động". Nghĩ là làm, chị đã tìm kiếm đơn vị sản xuất và đặt 2.000 chai thủy tinh đầu tiên để tặng khách.

nu doanh nhan vac tu va cho moi truong
Mô hình thùng thu gom rác Ân Điển

Cùng thời gian này, TP. Đà Nẵng cũng phát động chiến dịch thay thế sử dụng chai thủy tinh, bình inox cho chai nước dùng một lần. Khi biết Ân Điển tặng chai thủy tinh cho khách, nhiều đơn vị trong thành phố đã đặt vấn đề về hỗ trợ chai nước thủy tinh và chị đồng ý. "Lúc đầu dự kiến 2.000 chai, rồi lên 5.000, đến cuối năm 2019, số lượng chai tôi đặt để tặng các cơ quan, đoàn thể tại Đà Nẵng lên tới hơn 10.000 chai. Ai cần là mình hỗ trợ, chẳng có mục đích gì cá nhân, chỉ mong để thay đổi ý thức. Mình cũng không ngờ hành động nhỏ đó lại lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng" - chị Liên chia sẻ.

Đến làm sạch bãi biển

Thường xuyên công tác, học tập tại nước ngoài, chị Liên nhìn thấy sự khác biệt ở các nước phát triển và nơi mình sinh sống, đó là ứng xử với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. "Nếu đi biển Đà Nẵng, điều dễ nhận thấy là nhiều người uống nước xong thẩy (vứt) chai, ly nhựa ra biển. Mỗi người đi chợ mua đồ đều mang về nhà 5, 6 túi nilon và bỏ đi. Trong khi, ở các quốc gia phát triển, tất cả sản phẩm đều đựng bằng giấy, muốn sử dụng bao nilon phải bỏ tiền ra mua và túi đó đều là sản phẩm sinh học dễ phân hủy", chị Liên kể và cho rằng, chính cách ứng xử theo hướng lạm dụng sự tiện lợi của túi nilon và đồ nhựa dùng một lần đã đe dọa sự bền vững của môi trường. Làm sao để thu gom được số chai nhựa dọc các bãi biển, khu đông dân cư? Trăn trở đó có lời giải trong một lần chị cùng đoàn của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đi thăm và tìm hiểu kinh nghiệm khởi nghiệp của Israel. Họ có những thùng thu gom đồ nhựa rất đơn giản nhưng sáng tạo và bắt mắt. Tôi đã liên tưởng đến việc sẽ có những thùng thu gom đồ nhựa đặt dọc bãi biển Đà Nẵng. Trở về Việt Nam, tôi thuê kiến trúc sư vẽ mô phỏng ý tưởng mình đã nghĩ tới.

nu doanh nhan vac tu va cho moi truong
Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Liên (thứ 2 từ phải sang) nhận Bằng khen "Phụ nữ tiêu biểu năm 2019" của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

"May mắn thay, trong một lần tình cờ gặp Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng Nguyễn Thị Thu Hà. Khi nghe tôi chia sẻ ý tưởng mô hình, chị Hà đã đề nghị tôi phối hợp với Hội Phụ nữ thành phố để triển khai. Đến thời điểm hiện tại, có 50 điểm đặt thùng thu gom chai nhựa dùng một lần, đa phần đặt dọc đường biển, số còn lại đặt ở các khu dân cư", chị Liên hào hứng nói.

Khi được hỏi về việc bỏ ra cả gần tỷ đồng cho hoạt động hỗ trợ môi trường, nhưng làm âm thầm, lặng lẽ thì được lợi gì, chị tươi cười: "Nếu ai cũng băn khoăn, cân đong đo đếm giữa lợi nhuận – thứ hữu hình với tính bền vững, xã hội – yếu tố vô hình thì chưa tính ra, môi trường sống đã bị hủy hoại". Và người phụ nữ bản lĩnh trên thương trường kết thúc câu chuyện bằng quan điểm: "Những cái lớn tôi không làm được, nhưng cái nhỏ, vừa sức trong tầm tay thì tôi làm. Đó là đóng góp tích cực cho môi trường. Chỉ cần mỗi người ý thức như vậy thì trái đất sẽ sạch hơn".

Ý tưởng xây dựng các thùng chứa chai nhựa dùng 1 lần và sử dụng bình thủy tinh, inox thay thế cho chai nhựa đã chạm đến trái tim và ý thức của người dân Đà Nẵng trong việc cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Vũ Lê
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận