![]() |
Toàn cảnh Mũi Hảo Vọng |
Thăm thành phố hoàng kim của Nam Phi
Ấn tượng của tôi về Cape Town - “thành phố hoàng kim” của Nam Phi - quả thực rất khó tả! Có cái gì đó hơi giống Đà Lạt của Việt Nam về khí hậu, về kiến trúc quy hoạch. Lại từa tựa vẻ xa hoa như thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Pha phách đôi chút lại thấy sự hoang dã như Hawai của Hoa Kỳ. Quả thực là nơi “sơn thủy hữu tình” đến tuyệt vời!
Cape Town được chia thành nhiều khu vực nhỏ của người buôn bán, người làm nghệ thuật, những khu công viên rộng lớn, những vùng đất hoang vu, những cánh rừng với lối mòn đi bộ, những cánh đồng nho bát ngát và vùng dân cư sinh sống kéo dài đến tận bờ biển.
Thành phố nằm tựa lưng vào núi Table, sát bên vịnh Table. Núi Table (núi Bàn) có độ cao trung bình so với mặt nước biển là hơn 1.000m. Mặt núi phẳng, rộng khoảng 3km, nằm sát biển, thường có những đám mây, hơi nước trắng xóa bao trùm, tựa như một chiếc khăn trắng muốt trải lên bề mặt. Tôi tới đây vào ngày nắng đẹp trong vắt, nên nhìn từ xa, cảm tưởng như bức tranh sơn dầu hình khối trang nhã, tĩnh lặng. Đây cũng là khu bảo tồn thiên nhiên với hơn 2.000 loại thảo mộc quí hiếm. Xen lẫn những bức tường đá hùng vĩ màu xám nhạt là lùm cây dại xanh tươi. Nhìn về phía bắc thấy trung tâm thành phố với hải cảng tấp nập tàu bè ra vào neo đậu. Đứng trên đỉnh núi, tôi như đắm mình trong khoảnh khắc hoàng hôn. Phía trên là những áng mây trắng bao phủ, bên dưới, nắng nhuộm vàng những cụm hoa dại. Se sắt lạnh, vô cùng lãng mạn.
Trước đây, muốn lên tới đỉnh núi phải đi bộ gần 4 giờ đồng hồ. Còn bây giờ, có thể ngồi cáp treo, từ chân núi lên đỉnh chỉ mất 3 phút. Chiếc cáp treo đặc biệt này có thể xoay 360 độ trong lúc di chuyển để du khách có thể chiêm ngưỡng được toàn bộ cảnh núi non và thành phố Cape Town.
Không phải vì giữa các núi và vịnh là khu phố cổ với phần lớn là các công trình kiến trúc cổ đại thời kỳ thực dân Hà Lan thế kỷ 17 để lại rất cổ kính, phong trần... mà Cape Town thiếu đi sự năng động. Ghé Groot Constantia Wine Estate, chúng tôi được tự do thưởng thức các loại vang có vị ngọt đậm đà, danh tiếng, được tận mắt chứng kiến những vườn nho trĩu quả và quy trình sản xuất rượu độc đáo này.
Dọc theo bãi biển là các khu chợ, bán nhiều loại hàng lưu niệm, từ đồ thủ công mỹ nghệ đến những thiết bị hiện đại phục vụ du lịch. Cảm thấy đói bụng, có ngay những nhà hàng trên bãi biển với các món ăn được chế biến từ hải sản tươi sống.
![]() |
Chụp ảnh lưu niệm cùng cư dân bản địa |
Điểm tận cùng của Lục địa đen
Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) ở rìa phía Nam của bán đảo Cape, cách thành phố Cape Town khoảng trên 50 km, phân chia Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, bên là biển ấm, bên là biển lạnh. Trên núi nhìn xuống, giữa bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, nơi giao hòa giữa hai đại dương thật “hùng dũng”, nói không ngoa có thể gọi là thiên đường giữa đại dương. Các nhà hàng hải đã ví Mũi Hảo Vọng như người lính đứng canh nơi trọng yếu, trấn giữ tuyến đường xung yếu giữa hai đại dương.
Lịch sử thế giới ghi lại rằng, trước khi kênh đào Suez được xây dựng năm 1869, mũi Hảo Vọng là con đường lưu thông duy nhất trên biển giữa châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, chỉ có tàu cỡ vừa đi qua được Suez, còn các tàu cỡ lớn phải vòng qua Mũi Hảo Vọng. Hàng năm, khoảng 40.000 tàu bè qua lại nơi đây, trong đó, một nửa là tàu nhập khẩu xăng dầu Tây Âu, 1/4 là tàu của Mỹ.
Tuy đây là tuyến đường trọng yếu trên biển, nhưng vùng biển cạnh nó lại là nơi nguy hiểm có tiếng trên thế giới. Tàu thuyền chỉ cần sơ ý để cột buồm nghiêng hay lạc mái chèo thì nguy hiểm ập tới lúc nào không biết bởi phía nam Mũi Hảo Vọng là vùng có gió tây thổi mạnh, trên mặt biển rộng mênh mông không có gì che chắn nên làm sóng to nổi dậy.
![]() |
Từng đàn chim cánh cụt phơi nắng trên bờ đá |
Không thể tới Nam Phi mà không ghé Cape Town, tới Cape Town mà không thăm Cape of Good Hope (Mũi Hảo Vọng)! Và tôi đã đặt chân tới con đường thông thương duy nhất trên biển giữa châu Âu và châu Á cuối thế kỷ XIX, nơi giao hòa giữa Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương vào dịp Noel 2014. |
Cũng bởi vậy, nơi đây cũng từng được biết tới với cái tên Mũi Bão táp. Chỉ từ khi vua Ruo Ao đệ II cho rằng, nếu vượt qua được Mũi Bão táp, đến vùng phương Đông trù phú thì sẽ có rất nhiều hy vọng, nên đổi tên mũi đất này thành Mũi Hảo Vọng.
Chỉ là một mũi đất, nhưng nơi đây được biết đến như một công viên quốc gia hoang dã, bát ngát hoa cỏ và muông thú. Từng đàn khỉ, sơn dương, hươu, nai, tê giác… tung tăng chạy nhảy dọc đường núi, đôi lúc ngơ ngác đứng nhìn những đoàn xe hơi rầm rập tung bụi qua lại. Đầy lạ lẫm với cái thế giới hoang sơ! Xe chạy qua những cánh rừng xen lẫn cánh đồng nho. Sát mặt biển là bầy chim hải yến. Dưới bờ, từng đàn hải cẩu lũn cũn dạo chơi. Những làn gió biển thổi tung tóc, mang vị khí hậu Địa Trung Hải khiến những chú chim cánh cụt chao đảo, nghiêng ngả về một bên chực ngã. Chỉ vài con mòng biển tự tin trước làn gió mạnh đang thổi vào cuốn theo những đợt sóng tung bờ.
Trên đường tới Mũi Hảo Vọng, dọc theo bờ biển Đại Tây Dương là những bãi biển đẹp mê hồn: Clifton, Camps, Liandudno với một bên là các bãi cát rực rỡ nắng, một bên là vách núi xen lẫn với những cánh rừng. Đặc biệt, cung đường Chanpman’s Peak gây ấn tượng rất mạnh vì quãng đường dài gần 10km có đến 115 khúc cua ôm lấy vách đá. Có chỗ vách đá nhô ra như những mái nhà và được cư dân tận dụng làm nhà mà không cần xây mái. Góc nhìn trọn vẹn Mũi Hảo Vọng nằm tại Cape Point (Điểm Mũi) - nơi tọa lạc ngọn hải đăng cổ.
… Rồi cũng phải chia tay với nơi ghi rõ tọa độ “18o 28’ 26” kinh đông, 34o 21’ 25” vĩ nam” mà bất cứ ai cũng mong muốn được dừng chân. Nhưng xúc cảm về một vùng đất nằm bên bờ Đại Tây Dương đã từng đóng vai trò huyết mạch trong giao thông đường biển quốc tế với những cảnh quan tự nhiên tươi đẹp dường như sẽ luôn hiện hữu…
![]() |
Trên đỉnh núi Bàn |
![]() |
![]() |