![]() |
Năm 2024 được xem là năm “tăng tốc” trong thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và địa phương nhằm đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, vậy Ninh Thuận đã có những giải pháp và hành động cụ thể nào, kết quả đạt được trong năm 2024, thưa ông? Ông Trần Quốc Nam:Năm 2024 xác định là năm “tăng tốc” trong thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV và kế hoạch 5 năm 2021-2025; triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo điều hành các khâu đột phá đúng hướng, hiệu quả theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra, trong đó tập trung vào 03 khâu đột phá, gồm: Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển; khơi thông nguồn lực đất đai. 6 ngành lĩnh vực trọng tâm ưu tiên thức đẩy tăng trưởng: Thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị. |
Tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, phân công cụ thể cho các thành viên UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá đảm bảo chủ động, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả trên từng lĩnh vực, nhiệm vụ, từng khâu, gắn với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Lấy doanh nghiệp là trung tâm, động lực và mục tiêu cho sự phát triển. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, tổ chức đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp hàng tháng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh. |
Thưa ông, nhìn lại giai đoạn vừa qua, đâu là thành tựu nổi bật của Ninh Thuận trong phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 74 của HĐND tỉnh? Ông Trần Quốc Nam:Với sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, cùng với các giải pháp đồng bộ, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, năm 2024, kinh tế Ninh Thuận phát triển ổn định và tăng trưởng khá, tăng trưởng GRDP đạt 8,74%, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực và 16/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người đạt 98,2 triệu đồng/năm; rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với cả nước và trong vùng, đưa Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn của cả nước lên tỉnh có thu nhập trung bình. Đặc biệt, kinh tế nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vượt mục tiêu đề ra. Khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả, giá trị gia tăng đạt 14,7%. Du lịch tăng trưởng khá, lượng khách đến với tỉnh đạt 3,4 triệu lượt, tăng 17,2% so cùng kỳ; doanh thu ước đạt 3.890 tỷ đồng, tăng 69,1%. Năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.950 tỷ đồng, vượt 23,7% kế hoạch; thu hút đầu tư vốn FDI đạt 1,2 tỷ USD, thuộc nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước; thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, đã cấp chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng vốn trên 34.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. |
![]() |
Tỉnh đã điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 58 dự án với tổng vốn tăng thêm trên 19.400 tỷ đồng. Chủ trương xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao đạt mục tiêu đề ra; năng lực sản xuất tăng nhanh, cung ứng khoảng 30% nhu cầu của cả nước. Bên cạnh đó, khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả, chiếm trên 24% GRDP của tỉnh, xây dựng Ninh Thuận dần trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Phát triển kinh tế biển được tập trung chỉ đạo, tỷ trọng kinh tế biển chiếm trên 42% GRDP của tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện đáng kể, chỉ số PCI năm 2023 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 02/14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng trọng điểm, liên vùng được tập trung ưu tiên đầu tư; đã đưa vào hoạt động bến cảng 1A Cảng tổng hợp Cà Ná có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn; đầu tư hoàn thành nhiều tiến đường giao thông quan trọng, huyết mạch: Đường nối cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1A và Cảng tổng hợp Cà Ná; đường nối Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng, Đước Trọng Lâm Đồng; đường vành đai phía Nam; dự án Môi trường bền vững thành phố Phan Rang Tháp Chàm...; các công trình thủy lợi, như: Hệ thống hồ thủy lợi Tân Mỹ, hồ sông Than... Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, từng bước đổi mới và phát huy hiệu quả. |
Vậy, công tác xây dựng cán bộ tại Ninh Thuận đã đạt được những kết quả như thế nào trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới, thưa ông? Ông Trần Quốc Nam: Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài…”. Xác định vai trò, tầm quan trọng về công tác cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 12/01/2022 triển khai thực hiện và đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, đầy đủ các nội dung về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn với thực hiện các kế hoạch, nghị quyết, quy định, kết luận… của Đảng có liên quan. Theo đó, UBND tỉnh đã đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức; đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình đánh giá cán bộ... bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, khách quan, minh bạch, tuyển chọn nhân lực thật sự có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, khả năng tự chủ của đơn vị. Từ năm 2021 đến năm 2024, UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng 57 công chức và các cơ quan, đơn vị đã tuyển dụng 367 viên chức. Đối với công tác quy hoạch cán bộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020-2025, giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo; đưa ra quy hoạch những trường hợp chưa đảm bảo yêu cầu. Tính đến tháng 12 năm 2024, đã có 1.387 lượt cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch chức danh cấp phòng trở lên giai đoạn 2020-2025, 2025-2030. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, nâng cao trình độ ngoại ngữ và đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực hiện xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2021 đến 2024, Ninh Thuận có 2.563 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Ninh Thuận cũng đã đổi mới công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, trong đó chú trọng nguồn nhân sự tại chỗ, đồng thời kết hợp với nguồn nhân sự nơi khác theo kế hoạch luân chuyển cán bộ hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đối với một số cơ quan, đơn vị nhằm phát hiện, thu hút, lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu vị trí lãnh đạo, quản lý. Giai đoạn 2021-2024, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thi tuyển và bổ nhiệm 109 chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và diện các cơ quan, đơn vị quản lý.… Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục củng cố, kiện toàn cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trên cơ sở tập trung ở những nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng theo quy định tại Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ, và Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chính sách có liên quan về tiền lương, chế độ công vụ, công chức nhằm khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến, tận tụy, tạo động lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ gắn với cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước. Xin trân trọng cảm ơn ông! |
Thu Hường Đồ họa: HồngThịnh |