Niềm tin vào quyết sách lớn

Sớm đánh giá đúng thực trạng tác động của dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế, xã hội, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp kịp thời với phương châm: Nhà nước, doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) cùng chung tay khắc phục khó khăn, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng với quyết tâm phòng, chống dịch, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, Chỉ thị quan trọng, như: Chỉ thị 15; 16,… Đặc biệt, ngay từ đầu tháng 3/2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Và cũng chỉ ít ngày sau, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ với tổng số tiền lên đến 62 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Theo đó, trong 3 tháng, ngoài các đối tượng bảo trợ xã hội, gói hỗ trợ này còn dành cho hơn 2 triệu NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và hàng trăm nghìn DN bị tác động phải thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động.

niem tin vao quyet sach lon
Hỗ trợ DN gián tiếp giữ và duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động

Với các giải pháp gián tiếp, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai nhiều nhóm chính sách nhằm nới lỏng tiền tệ, thông qua giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ; kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công; hỗ trợ DN duy trì sản xuất, hỗ trợ NLĐ mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến “nguy thành cơ” để phát triển sau dịch.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ DN ổn định sản xuất, xuất khẩu (XK) để gián tiếp giữ và duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ, Chính phủ đã sớm chỉ đạo, Bộ Công Thương triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đẩy mạnh XK, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA);… Đồng thời, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường giá cả, đảm bảo nguồn cung hàng hóa để giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là NLĐ bị giảm sâu thu nhập.

Đặc biệt, trong Chỉ thị 19/CT-TTg, bên cạnh việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, người dân, DN tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, các nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động; không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật…

Đánh giá về những giải pháp hỗ trợ NLĐ đối phó với dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, TS. Chang-Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam - nhấn mạnh, việc hướng sự hỗ trợ và các gói trợ giúp tới DN sẽ khuyến khích DN nỗ lực hết mình trong việc giữ NLĐ và làm chậm quá trình sa thải, giảm thiểu cú sốc đối với xã hội mà khủng hoảng gây nên trong khi vẫn duy trì được năng suất lao động cho phục hồi nhanh hơn hậu Covid-19. TS Chang-Hee Lee cho rằng, đây là những nỗ lực rất đáng khen ngợi, giúp ứng phó khủng hoảng, giải quyết các khía cạnh chính của đại dịch và những tác động về kinh tế và xã hội mà đại dịch gây nên.

TS. Chang-Hee Lee: Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được.
Hoàng Châu
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận