Những người con của bản làng

Lúc lên lớp dạy xóa mù - các anh là thầy giáo; khi lên nương, xuống ruộng - các anh hướng dẫn bà con như một cán bộ nông nghiệp; những buổi họp bản, họp dân - các anh lại là người con, người anh thân thiện, chân tình… Các anh chính là những chiến sĩ biên phòng mang quân hàm xanh, đang ngày đêm bám dân, bám bản, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
\"\"
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Pnôn thăm hỏi đồng bào Ja Rai, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Giúp dân bớt khó...

Ghé nhà ông Ksor Hlem (Làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai), việc đầu tiên đại úy Nguyễn Văn Bằng làm, đó là cùng ông Ksor Hlem ra thăm vườn hồ tiêu. Vừa hỏi thăm ông Ksor Hlem, đại úy Bằng vừa hướng dẫn ông Ksor Hlem cách ủ phân chuồng, bón phân định kỳ sao cho cây hồ tiêu ra nhiều trái và tránh được một số bệnh thường gặp. Không chỉ đại úy Bằng, mà hầu hết các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn, mỗi lần đến bản đều rất tích cực xuống các hộ dân, sẵn sàng chỉ cho bà con những gì mình biết với mong muốn bà con sẽ có thêm kiến thức để chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả hơn.

Theo thiếu tá Nguyễn Hữu Quyết - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Ia Pnôn, do địa phương tập trung chủ yếu là đồng bào Ja Rai, nên ngoài việc giúp bà con phát triển kinh tế, bộ đội biên phòng thường xuyên tham gia họp dân, họp bản, tuyên truyền các chính sách pháp luật của nhà nước về giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc, an ninh biên giới, không nghe theo lời xúi giục của các đối tượng thù địch… Hạnh phúc lớn nhất của các anh đó là từ khi đồn thành lập tổ công tác tại địa bàn xã, bộ máy hành chính từ xã đến thôn làng đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ các mô hình sản xuất (trồng lúa nước, trồng tre lấy măng, trồng hồ tiêu) do bộ đội biên phòng hướng dẫn, nhiều hộ đồng bào Ja Rai đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Cũng quản lý vùng biên giới, nhưng Đồn Biên phòng Pa Ủ (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Lai Châu) còn vất vả hơn nhiều đơn vị khác bởi, gần 100% người dân xã Pa Ủ là đồng bào dân tộc người La Hủ - một trong những dân tộc rất ít người, đại đa số mù chữ, sản xuất và sinh hoạt lạc hậu, manh mún. Không chỉ dựng nhà để vận động bà con xuống núi ở, bộ đội biên phòng Pa Ủ còn trực tiếp cắm bản, phát triển các mô hình sản xuất cây - con để bà con có kế sinh nhai. Tuy nhiên, do đồng bào La Hủ mù chữ, mù tiếng phổ thông, lại quen sống nhờ vào các sản vật của rừng núi nên việc phát triển sản xuất cho bà con gặp vô vàn khó khăn. Ngay cả bò giống tặng cho bà con, bộ đội cũng phải đóng chuồng trại nuôi giúp để nhân giống vì nếu giao thẳng cho bà con nuôi, tỷ lệ bò chết vì rét, bệnh tật, hoặc bị xẻ thịt rất cao… Khó là vậy, nhưng trong nhiều công việc của đồng bào La Hủ đều thấy sự có mặt của bộ đội biên phòng Pa Ủ. Bởi theo các anh: Sự thay đổi của đồng bào La Hủ những năm qua chưa như mong muốn, nhưng nếu không sát cánh cùng đồng bào, bỏ mặc đồng bào, thì cuộc sống của đồng bào có thể sẽ lại quay về thời kỳ khó khăn trước đây…

... Và làm giàu

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện về người lính mang quân hàm xanh - những chiến sĩ vẫn được đồng bào thân mật gọi là “người con của bản”. Với các anh, để gần dân, nói dân hiểu, làm dân tin, ngoài kiến thức chuyên môn học ở trường, người chiến sĩ biên phòng phải trang bị cho mình rất nhiều kiến thức về các lĩnh vực khác như: Trồng trọt, chăn nuôi, dựng nhà, kỹ năng sư phạm, thậm chí cả việc đỡ đẻ, cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh… Đặc biệt, trong điều kiện các thôn, bản biên giới còn thiếu thốn trăm bề, thì việc người chiến sĩ biên phòng phải linh hoạt, nhanh nhạy, biết tận dụng những điều kiện sẵn có để xử lý tình huống là hết sức quan trọng. Ngoài ra, để gần dân, nhiều chiến sĩ biên phòng còn tự học tiếng của đồng bào DTTS. Có người biết tới 3 - 4 thứ tiếng như: Mông, Thái, Dao, Tày…

Gắn bó với địa bàn biên giới, không quản đêm hôm, giông bão, mưa dầm, gió bấc…, mỗi khi địa bàn có vụ việc là các chiến sĩ biên phòng lại hối hả lên đường giúp đỡ đồng bào bằng tất cả sức lực và tấm lòng. Đây cũng chính là lý do để nhiều cán bộ biên phòng được người dân yêu mến gọi bằng “cha, chú”; nhiều cái tên của chiến sĩ biên phòng đã trở thành tên thôn, tên xóm, tên đường…

Có lên các vùng biên giới mới hiểu, sự gắn bó giữa biên phòng với đồng bào DTTS tuy không phải máu thịt, nhưng lại vô cùng bền chặt. Trong lòng mỗi người dân, chiến sĩ biên phòng là biểu tượng của tinh thần quả cảm và đức hy sinh. Với mỗi chiến sĩ biên phòng, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”. Biên cương bình yên cũng bởi có những mối quan hệ quân - dân bền vững như thế…

Hoàng Mai
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận