Những đề xuất đáng lưu tâm

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), hiện nay, rất nhiều hộ thuộc các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên đang gánh các khoản nợ khác nhau do đầu tư vào nông nghiệp bị thua lỗ. Trong đó, chủ yếu là nợ từ các dịch vụ cho vay tư nhân với lãi suất cao. Dưới đây là những đề xuất được iSEE đưa ra, nhằm từng bước tháo gỡ vấn đề này.
\"\"
Do vay vốn với lãi suất cao để đầu tư trồng cà phê nên nhiều nông dân khốn khổ vì nợ nần

Xây dựng hệ thống tín dụng đặc thù

Bên cạnh việc thay đổi và bổ sung một số điều khoản trong “Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” (Nghị định 55/2015/NĐ/CP); xem xét nâng trần lãi suất cho vay và chuyên nghiệp hóa tín dụng vi mô, triển khai rộng mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho các vùng sản xuất lớn…, Tiến sĩ Hoàng Cầm – người có hơn 14 năm nghiên cứu điền dã ở vùng các tộc người thiểu số Tây Bắc và Tây Nguyên cho rằng: Nhằm giúp các cộng đồng người thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư sản xuất, thoát khỏi cảnh vay nợ với lãi suất cao từ tư nhân; Nhà nước cần nghiên cứu để xây dựng một hệ thống tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể cho các cộng đồng thiểu số tại địa bàn. Quỹ tín dụng này có thể được xây dựng độc lập hay lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ phát triển vùng DTTS của Nhà nước đang được triển khai như Chương trình 30a hay chương trình 135 giai đoạn III, sau đó giao cho chính quyền cấp xã quản lý, điều hành.

Gây dựng các hội, đoàn thành đầu mối trung gian

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu hiện nay ở một số buôn ở Tây Nguyên là vấn đề đầu vào, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp ở đây đều bị chi phối hoàn toàn bởi các đầu mối trung gian là các doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy, để người nông dân tiếp cận trực tiếp được với các sản phẩm đầu vào cho sản xuất với giá hợp lý và có thể bán sản phẩm theo đúng giá thị trường, cần phải xây dựng ở cấp thôn, buôn những đầu mối trung gian để kết nối trực tiếp người dân với doanh nghiệp sản xuất phân bón và thu mua sản phẩm.

Hiện cơ cấu quản lý ở cấp thôn, buôn và cấp xã ở Tây Nguyên đang tồn tại nhiều hội, đoàn như: Hội phụ nữ, thanh niên, mặt trận hay hội nông dân…Theo đó, có thể xây dựng chính sách xây dựng các hội, đoàn này thành các đầu mối trung gian để kết nối người dân thôn, bản với doanh nghiệp.

Phát huy các mô hình sinh kế cổ truyền

Cũng theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, với nguồn lực hạn hẹp và với sự rủi ro cao của thị trường nông sản, việc thay đổi các mô hình sinh kế theo hướng thị trường không những không làm cho người dân giàu lên mà đang đẩy nhiều hộ vào cảnh nghèo đói, nợ nần. Thực tế này cho thấy, sản xuất theo cơ chế thị trường chỉ nên được coi là một trong những mô hình để người dân lựa chọn, bởi không phải hộ gia đình, thậm chí cộng đồng dân tộc tại chỗ nào cũng hội tụ đầy đủ các điều kiện để tham gia vào sản xuất thị trường đầy rủi ro. Theo đó, đi đôi với việc rà soát và loại bỏ các mô hình sinh kế theo hướng thị trường được xây dựng cho tất cả các vùng, các tộc người…, cần triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ để củng cố và phát huy các mô hình sinh kế cổ truyền đã được các tộc người xây dựng để thích ứng với bối cảnh văn hóa, xã hội và môi trường… Cùng với đó, Nhà nước cần cân nhắc, sửa đổi và bổ sung một số quy định pháp lý về sở hữu đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Đặc biệt, công nhận quyền sở hữu cộng đồng cho các tộc người thiểu số tại chỗ để cho người dân có nhiều lựa chọn trong phát triển sinh kế bền vững.

Phương Tú
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận