Nhờ ơn cái điện quốc gia 30A

Đêm, bản Đỉnh Sơn 1 xã Hữu Kiệm rực sáng như một phố nhỏ nằm sâu trong lòng núi huyện Kỳ Sơn. Già bản người Khơ Mú thật cái bụng rằng, bản ta thay đổi đó là “nhờ ơn” cái điện quốc gia của Dự án 30A.
\"\"
Nhờ có dòng điện sáng từ nguồn vốn 30A bản Đỉnh Sơn 1 đã đổi thay

Vào tới Đỉnh Sơn trời vừa nhá nhem tối, bản bắt đầu lên đèn. Ông Lữ Trọng Quế - già làng bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) liền khoe: “Bản ta có 97 hộ là người dân tộc Khơ Mú nhưng giờ đã có hơn 70 hộ có tivi. Công việc ổn định, thu nhập mỗi khẩu gần 3 triệu đồng/tháng. Bản thay đổi được như bây giờ là “nhờ ơn” cái điện quốc gia của Dự án 30A đó. Cách đây gần 2 năm, bản không có điện thì đời sống người dân rất khó khăn. Giờ có điện đã khác, kinh tế cũng như an ninh quốc phòng đã thay đổi.

Câu chuyện với ông Quế xuôi xuôi thì mặt trời cũng tắt, cả bản Định Sơn 1 rực ráng như một phố nhỏ nằm sâu trong lòng núi.

“Giờ Định Sơn 1 đã khác, tối đến nhộn nhịp lắm. Tivi, máy nghe nhạc mở xập xình chứ không như trước đây chưa tối bản đã “ngủ yên”, già làng Quế nhớ lại.

Ông Lô Mạnh Quân – Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm nói: Năm 2014 nhờ có nguồn vốn 30A, xã đã được đầu tư công trình điện 35KV vào 2 bản khó khăn nhất là Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Hai bản này với gần 200 hộ dân là người Khơ Mú do nhiều năm chưa có điện nên đời sống hết sức khó khăn.

Định Sơn 1 là bản có làng nghề mây tre đan nhưng trước đây người dân chỉ làm ban ngày, bởi ban đêm thắp nến hay đèn thì cũng không thể thực hiện các thao tác để tạo ra sản phẩm đẹp được. Vì thế sản phẩm làm ra kém chất lượng và không được nhiều. Nhưng từ khi có điện, sản phẩm làm được nhiều hơn, giá trị sản phẩm mang lại cao dẫn đến giá trị sản xuất làng nghề được nâng lên. So với trước đây thì thu nhập cao gấp 3 lần. “Điện thực sự mang lại kinh tế cũng như giúp cho công tác tuyên truyền của cán bộ xã được thuận lợi và dễ dàng hơn”, ông Lô Mạnh Quân nói thêm.

\"\"
Nhờ có nguồn vốn 30A, người dân đến khám bệnh ở Trạm y tế xã Yên Na thuận tiện hơn

Theo ông Trần Văn Hòa - Trưởng Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn, từ năm 2009 đến nay, đơn vị quản lý 27 dự án có nguồn vốn từ Dự án 30A. Hiện các dự án đã được sử dụng hiệu quả và chưa có sự lãng phí. Tuy nhiên, mới đây qua kiểm tra, có một số công trình có sai phạm như quyết toán áp đơn giá sai, dự toán sai do giám sát không chặt chẽ, kiểm soát không kỹ và thẩm định có vấn đề. Hiện số tiền sai phạm đã được thu hồi 100%. Các cá nhân, tổ chức có sai phạm thì đã phê bình rút kinh nghiệm.

Ông Trần Văn Hòa kiến nghị, tỉnh Nghệ An cần tăng định mức đầu tư để địa phương triển khai có hiệu quả các dự án. Bởi lẽ lâu nay do nguồn 30A ít, trong khi công trình nào cũng trọng điểm nên huyện đã “chia nhỏ” để rải nên kinh phí về mỗi xã ít. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của công trình được đầu tư. Bởi ban đêm cán bộ mới vào tuyên truyền vì ban ngày dân còn đi rẫy nên không có điện thì rất vất vả. Các chương trình tuyên truyền, chương trình tọa đàm thực hiện dễ dàng hơn từ khi có điện.

Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm - Lô Mạnh Quân - cũng đề nghị: Thời gian tới ngoài các công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn 30A đã phát huy hiệu quả thì xã mong nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất. Hiện xã đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nên cũng rất cần nguồn vốn để đầu tư một số công trình trọng điểm như: khu thể thao liên hợp, các cầu tràn bắc qua suối, công trình nhà văn hóa…

Ông Vi Văn Oanh – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn đánh giá, các công trình 30A được xây dựng và đưa vào sử dụng đã thực sự tạo điểm nhấn cho nhiều địa phương. Tuy nhiên nguồn vốn bố trí hàng năm cho huyện chưa đảm bảo. Mặt khác, hàng năm tỉnh cũng nên bố trí nguồn vốn sớm để huyện chủ động phân bổ đầu tư cho các dự án. 

Hoàng Trinh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận