Nhịp cầu kinh tế hữu nghị EU - Việt Nam (Bài 1)

Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên (MUTRAP) trước kia, nay là Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU –MUTRAP) là Dự án tổng hợp đầu tiên của toàn EU đến với Việt Nam trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, khi nước ta mạnh bước trên cây cầu hữu nghị với bầu bạn bốn phương mang tên “Hành trình hội nhập và phát triển”.

Bài 1: Vóc dáng Mutrap

\"\"
Năm 2014, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu, tổ chức 2 cuộc hội thảo nhằm tham vấn và trao đổi các ý kiến xung quanh các vấn đề liên quan - Ảnh: Tiến Long

Bắt nhịp với hành trình hội nhập

Dự án EU- MUTRAP được mở ra từ năm 2012, kết thúc vào năm 2018, là khung thời gian mang ý nghĩa lớn. Dự án khởi đầu năm 2012 - Việt Nam đã qua hơn 10 năm ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), qua 5 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đây được xem là cuộc “tổng diễn tập” của Việt Nam khi bước sang giai đoạn tham gia sâu rộng vào tiến trình hội nhập, tiếp cận thị trường xuất khẩu (XK) lớn trên thế giới mà không bị phân biệt đối xử. Trong giai đoạn này, Việt Nam tích cực cải cách thể chế phù hợp với định chế và tập quán thương mại quốc tế, từ đó có cơ hội lớn thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tăng trưởng XK, tạo ra thế và lực mới tham gia các khu vực mậu dịch tự do với đặc trưng là cắt giảm thuế quan với khoảng 90% dòng thuế sẽ đưa về 0% vào năm 2015.

Dự án kết thúc vào năm 2018 là thời điểm quan trọng, phần lớn dòng thuế còn lại sẽ đưa về 0% vào năm 2018. Nhưng quan trọng hơn đó là năm Việt Nam hoàn thiện cơ chế thị trường một cách đầy đủ theo cam kết với WTO.

Trong khung thời gian của Dự án, Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn hội nhập mới là tham gia vào các khu vực mậu dịch tự do. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam ký 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) gồm 6 hiệp định trong khuôn khổ ASEAN, 2 Hiệp định FTA song phương với Nhật Bản, Chi Lê. Bước sang nhóm các Hiệp định FTA thế hệ mới, Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) và đang đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN+6 (RCEP) và Hiệp định giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu (VEFTA).

Trong năm 2014, 3/6 Hiệp định FTA đang đàm phán đã cơ bản hoàn tất. Các hiệp định còn lại đang gấp rút hoàn tất khâu đàm phán cuối cùng. Điểm khác biệt của các Hiệp định FTA thế hệ mới là phạm vi tự do hóa thương mại rộng hơn, bao gồm cả các lĩnh vực phi thương mại. Các Hiệp định FTA sẽ tạo động lực giúp Việt Nam hoàn thiện cơ chế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện luật pháp, xoay chuyển cấu trúc thương mại, giảm phụ thuộc vào một thị trường.

\"\"

Nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã được bạn hàng châu Âu chú ý - Ảnh: Lã Lan

Có một kết quả không lượng hóa được là chuyển biến mạnh về tư duy hội nhập. Từ chỗ chỉ gia nhập, tham gia hoạt động, sang chủ động và tích cực đóng góp, đề xuất các sáng kiến; tăng cường cách tiếp cận đa ngành; chú trọng nội hàm phát triển bền vững. Những nét mới đó được thể hiện trong lĩnh vực kinh tế như chủ động đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Chủ động tham gia và tích cực đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác kinh tế đa phương tạo dấu ấn của ta trong khu vực và quốc tế. Tư duy mới về hội nhập tạo xung lực để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.

Tầm vóc của Dự án

Chính vì thời gian diễn ra Dự án gắn liền với thời kỳ chuyển động quan trọng của đất nước, nên mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm góp sức thúc đẩy tiến trình đó. Dự án hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa vào hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN và hợp tác tiểu vùng, tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, tối đa hóa lợi ích của quá trình phát triển kinh tế, bao gồm: tăng trưởng kinh tế toàn diện và xóa đói giảm nghèo.

Sau những hỗ trợ của EU, chủ động chuẩn bị của Việt Nam, Dự án EU- MUTRAP đã qua bước khởi động và bắt đầu thực hiện những mục tiêu trong bối cảnh Việt Nam đã có thế và lực mới và EU cũng có cách nhìn mới, hành động tích cực về Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của Dự án là: Hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành thuận lợi hóa thương mại quốc tế và đầu tư thông qua việc tăng cường năng lực hoạch định chính sách, tham vấn chính sách, đàm phán và thực thi các cam kết liên quan, đặc biệt là trong quan hệ với EU. Thương mại được xem là “hàn thử biểu sức khỏe” của nền kinh tế, vừa là hệ quả vừa là động lực của kinh tế quốc dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Mục tiêu tổng thể và cụ thể của Dự án đã lý giải việc Bộ Công Thương được chọn điều hành thực hiện Dự án quan trọng này. 

Dự án gồm 5 hợp phần với chùm các hoạt động, liên quan đến nhiều lĩnh vực then chốt của kinh tế - xã hội Việt Nam. Riêng Hợp phần 4 có 6 Tiểu dự án là: “Nâng cao năng lực thương mại Việt Nam” do Hiệp hội đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện chính. Hiệp hội xuất khẩu Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện Tiểu dự án “Thiết kế và Xây dựng thương hiệu thủ công mỹ nghệ bền vững”. Tiểu dự án thứ 3 có chủ đề “Tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật” với đơn vị chủ trì là Viện nghiên cứu Da giày. Việc “Khuyến khích công bằng thương mại tại Việt Nam” là tên của Tiểu dự án do Viện Nghiên cứu phát triển công nghiệp nông thôn chủ trì. Tiểu dự án “Nâng cao giá trị xuất khẩu cho hợp tác xã” do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Hợp tác xã & doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam thực hiện. Cuối cùng là Tiểu dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu” do Viện Chính sách và Chiến lược Công nghiệp triển khai.   

Bài 2:Kỳ vọng từ Dự án Eu - Mutrap

Nguyễn Duy Nghĩa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận