Nhiều tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng trở về trạng thái bình thường mới

Tính đến nay, nhiều tỉnh thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từng bước nới lỏng mức độ giãn cách từ Chỉ thị 16 về Chỉ thị 15, thiết lập “vùng xanh” thực hiện trạng thái bình thường mới.

Vùng ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố đã trải qua 60 ngày phòng chống dịch. Tính đến ngày 20/9, toàn vùng có hơn 70.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó cao nhất là Long An 29.570 ca, Tiền Giang 12.642 ca, Đồng Tháp 8.099 ca, TP Cần Thơ 5.118 ca…

Nhiều tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện trạng thái bình thường mới, DN thực hiện sản xuất an toàn, dần khôi phục sản xuất kinh doanh

Đến nay, sau hai tháng thực hiện phòng chống dịch Covid- 19 với ít nhất 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện từ ngày 19/7/2021, nhiều tỉnh thành trong vùng từng là “tâm dịch” với số ca nhiễm cao trong vùng nhưng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay đồng lòng của người dân, nhiều địa phương đã thiết lập được các "vùng xanh", từng bước trở về trạng thái bình thường mới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng- ông Trần Văn Lâu đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng không còn địa phương “vùng đỏ”, chỉ còn 2 địa phương đang ở “vùng cam” là xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) và xã Đại Hải (huyện Kế Sách), không có địa phương nào thuộc “vùng vàng”. Các địa phương còn lại đã về “vùng xanh”. Trong đợt dịch lần thứ 4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định thiết lập 50 vùng, khu vực cách ly y tế để phòng, chống dịch. Đã kết thúc thời gian cách ly 41 khu vực; hiện còn 9 khu vực đang thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch. Tỉnh Sóc Trăng triển khai phương án phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Tỉnh Bến Tre cũng là một trong những địa phương trong khu vực ĐBSCL làm tốt công tác phòng chống dịch và hiện đang thực hiện các biện pháp để giữ vững "vùng xanh" và xây dựng bản đồ phòng chống dịch tới từng hộ gia đình, nhanh chóng có biện pháp thúc đẩy DN khôi phục sản xuất kinh doanh. Từ ngày 20/9, toàn tỉnh đã "xanh hóa" toàn bộ 9/9 huyện, thành phố; 155/157 xã, phường, thị trấn là "vùng xanh"; số ca F0 đã giảm dần.

Là điểm nóng của dịch Covid- 19 với đặc thù là cửa ngõ kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, khi tình hình dịch bệnh của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trở nên phức tạp, tỉnh Long An cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Có thời điểm, toàn tỉnh ghi nhận 900 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Bên cạnh đó, với đường biên giới dài tiếp giáp với Campuchia, tỉnh Long An từng có khoảng thời gian căng thẳng để kiểm soát sự lây nhiễm đến từ khu vực biên giới. Sau hơn hai tháng dồn sức chống dịch, từ ngày 21/9 vừa qua tỉnh Long An áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, một số địa phương chỉ phong tỏa hẹp để dập dịch. Người dân trong tỉnh đã bắt đầu dần trở lại trạng thái bình thường mới. Các cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát được hoạt động, bán mang về. Các nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại đúng tiêu chí trong kế hoạch sản xuất an toàn của tỉnh ban hành.

Theo ông Nguyễn Văn Được - Bí Thư Tỉnh ủy Long An việc nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện để DN hồi phục sản xuất kinh doanh sau quãng thời gian khó khăn. Song việc mở cửa, phục hồi kinh tế sẽ cần thận trọng, làm từng bước. Không thể kỳ vọng đạt ngưỡng “Zero Covid-19” ngay bây giờ mà phải xác định sống chung, thích nghi với dịch. Trong thời gian tới, để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch, Long An tiếp tục thực hiện 3 mũi giáp công, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 và biện pháp 5K vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Cũng từ ngày 23/9 tỉnh toàn bộ tỉnh Đồng Tháp không còn huyện, thành phố nào thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Đồng Tháp cũng khuyến khích DN có chiến lược, nhanh chóng khôi phục lại hoạt động từng giai đoạn sau dịch Covid-19. Đến nay, Sở Công Thương Đồng Tháp cũng đã xây dựng và triển khai hướng dẫn hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, đối với các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang hoạt động thì tiếp tục duy trì hoạt động nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. Các chợ đã tạm ngưng hoạt động thì các Ban quản lý chợ, các đơn vị khai thác, kinh doanh chợ phải có phương án hoạt động trở lại nhưng không quá 30% số gian hàng; ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, hoạt động 1 buổi/ngày và phải bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch; việc hoạt động trở lại các chợ phải được UBND cấp huyện, thành phố thẩm định và kiểm soát công tác phòng, chống dịch theo quy định.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Thanh Thanh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận