Hoạt động IR vẫn còn bị động
IR là hoạt động PR chiến lược gắn liền với quản trị, tích hợp hoạt động tài chính, truyền thông, tiếp thị, phù hợp với các luật đầu tư - DN - chứng khoán - tài chính, nhằm đảm bảo quan hệ hiệu quả, bền vững, đa chiều giữa DN, cổ đông, nhà đầu tư, nhà tài trợ, trung gian tài chính, giúp cho cộng đồng đầu tư đánh giá đúng về giá trị của DN.
![]() |
Thực tế, những thương vụ IPO và chào sàn chứng khoán thành công của các DN ngành dầu khí gần đây như: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí hay các doanh nghiệp thuộc các ngành khác như: VPBank, Techcombank, HDBank hay Vinhomes… cho thấy, chỉ khi DN ý thức được tầm quan trọng của hoạt động IR, kết nối với các nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp, minh bạch hóa thông tin, chủ động cung cấp thông tin một cách đầy đủ, khách quan và kịp thời tới thị trường và các nhà đầu tư tiềm năng thì mới có khả năng thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư vào DN mình.
Tại tọa đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông DN ngành dầu khí” do PVN và Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 5/3, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư – cho rằng, chất lượng hoạt động IR nói chung và PR nói riêng không chỉ tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu, giá trị DN mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của DN.
Mặc dù IR là một phần quan trọng và không thể tách rời với hệ thống quản trị công ty, nhưng hoạt động IR vẫn chưa được nhiều DN đánh giá đúng và triển khai hiệu quả. “Hoạt động IR mà các DN dầu khí hiện nay nhìn chung chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp, cách thức triển khai hoạt động chưa đồng đều, nhất quán. Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên” – ông Đinh Văn Sơn - thành viên Hội đồng thành viên PVN đánh giá.
Từ những quan sát thực tế, ông Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc phát triển quan hệ và đối ngoại Quỹ đầu tư Dragon Captital – cho rằng, nhiều DN gặp khó khăn trong việc tổ chức công tác IR. Phần lớn IR được tổ chức chưa chuyên nghiệp. Đặc biệt, hầu hết hoạt động IR là bị động, chủ yếu là công bố thông tin theo luật định. Ngoài ra, hoạt động IR chỉ diễn ra tại Đại hội cổ đông, còn thiếu vắng các hoạt động với nhà đầu tư giữa 2 kỳ đại hội.
Nâng chất IR bằng cách minh bạch thông tin
Bên cạnh những đơn vị chưa thực sự làm tốt công tác IR này thì có những DN khá chú trọng vào các hoạt động quan hệ nhà đầu tư, tổ chức các sự kiện kết nối nâng cao vị thế DN cũng như giải đáp kịp thời các câu hỏi thắc mắc từ phía các nhà đầu tư như: Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí Phú Mỹ (PVFCCo), Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower).
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc PVPower (Mã: POW) - cho biết, nhằm tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài và giới thiệu cổ phiếu POW ra quốc tế, PVPower đã chủ động có các buổi gặp gỡ và làm việc với các tổ chức tài chính châu Âu, các quỹ đầu tư lớn ở London như Fidelity Management, Blackfriar Asset Management,… Tham dự nhiều sự kiện kết nối như Hành trình Năng lượng 2018-PSI, HSC Emerging Market, Vietnam Access Day…
Năm 2018, hoạt động IR của PVPower diễn ra rất sôi động, tổ chức thành công 2 đại hội cổ đông thường niên và bất thường, tham gia hàng loạt chương trình tiếp xúc với nhà đầu tư, đi kèm đó là việc công bố đầy đủ các thông tin về tình hình hoạt động của POW thông qua hơn 100 bài báo, bài phân tích chuyên sâu.
\"Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược không thành công nhưng quá trình tìm kiếm đã đem lại cho chúng tôi nhiều cổ đông tốt. Chúng tôi đã không uổng công khi minh bạch toàn bộ phương án cổ phần hóa và kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa trong tương lai vào thời điểm roadshow. Chúng tôi cho rằng đó là hoạt động IR đầu tiên của mình trên thị trường chứng khoán\" - bà Bích nhấn mạnh thêm.
Để nâng cao chất lượng IR, các chuyên gia cho rằng, về phía DN, điều quan trọng đầu tiên là cần nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc hoạt động IR. Một khi DN lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư, thì hoạt động IR sẽ thành công.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Le Bros - ông Lê Quốc Vinh - nhấn mạnh, hoạt động IR của PVN cần nằm trong chiến lược chung và tổng thể phát triển thương hiệu, gia tăng giá trị của PVN. Theo đó, DN cần chủ động cung cấp thông tin, cởi mở tiếp nhận cái mới, trung thực chính xác, công khai tiến trình và xây dựng kênh thông tin chủ động.
Nguyên phó Tổng giám đốc HNX - bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - cũng cho rằng, hoạt động IR gắn với việc công bố minh bạch thông tin là trách nhiệm của chính DN niêm yết và phải xây dựng thành một chính sách xuyên suốt, liên tục.
Về phía nhà quản lý, ông Lê Công Điền - Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho hay, nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động IR sẽ được cơ quan quản lý thúc đẩy theo hướng tăng cường hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, mà trước hết cho lãnh đạo doanh nghiệp về tuân thủ yêu cầu minh bạch thông tin.
Cùng với đó là tăng cường công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, đảm bảo tính kỷ luật và lòng tin của thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện báo cáo và công bố thông tin qua Hệ thống công bố thông tin của công ty đại chúng (IDS), đảm bảo việc công bố thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời…