Nguồn thu ngân sách Nhà nước từ các sắc thuế tăng khá

Đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như thu ngân sách. Tuy nhiên, số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ngành thuế thực hiện 7 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt tiến độ và tăng trưởng khá. Tổng cục Thuế cho biết, sẽ phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu thu NSNN năm 2021 theo dự toán pháp lệnh được giao.

Tổng thu NSNN từ thuế trong 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 22.023 tỷ đồng, bằng 94,9% so với dự toán; thu nội địa ước đạt 741.781 tỷ đồng, bằng 67,8% so với dự toán pháp lệnh, tăng 13,7% so với cùng kỳ 2020 (số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 590.373 tỷ đồng, tăng 18,6%, nếu loại trừ gia hạn, miễn, giảm thuế thì tăng 8,2%).

Kết quả thu NSNN của ngành thuế 7 tháng đạt khá, ngoài nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả của ngành thuế, thì chủ yếu nhờ tình hình kinh tế hồi phục từ cuối năm 2020 và duy trì cho đến nửa đầu năm 2021; cùng với tăng thu đột biến từ một số nguồn do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai năm 2020, trong đó có một số ngành kinh tế tăng trưởng khá như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...

Chẳng hạn, khối các ngân hàng thương mại có sự tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trong năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi cao, gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ (ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn…) đã góp phần tăng lợi nhuận, dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý 4 năm 2020 nộp sau quyết toán (chuyển sang năm 2021) tăng cao. Lũy kế số thu NSNN từ khối ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 72,9% so với cùng kỳ 2020 (tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng).

Giải quyết thủ tục hành chính thuế. Ảnh minh họa

Thị trường bất động sản cũng có sự tăng trưởng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản chuyển nhượng làm tăng thu thuế 61,7% so với cùng kỳ (tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng). Bên cạnh đó, những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao, nên thuế thu nhập doanh nghiệp từ các hoạt động này cũng đã tăng 2,6 lần so với cùng kỳ 2020 (tương đương 3.500 tỷ đồng). Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng tăng gấp 2,47 lần so với cùng kỳ (tương đương 3.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, việc Chính phủ thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, đã giúp lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ tháng 12/2020 cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019, nhưng kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tháng 01/2021, dẫn đến số thu NSNN từ tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã tăng 47,1% so với cùng kỳ 2020 (tương đương 11.200 tỷ đồng).

Mặc dù số thu NSNN trong 7 tháng của ngành thuế đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với cùng kỳ những năm gần đây, song số thu cũng đã có dấu hiệu giảm dần theo tháng, đặc biệt giảm nhanh từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Theo đó, nguồn thu thuế, phí nội địa từ mức tăng 15,9% trong tháng 4, đến tháng 7 mức tăng đã giảm xuống còn khoảng 10,4%.

Trong những tháng cuối năm, tình hình kinh tế dự báo khó khăn, thách thức lớn do dịch bệnh Covid-19 tác động, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Để hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2021 đã được giao, Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tạo tiền đề tăng thu NSNN.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế theo hướng bao quát toàn bộ nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế. Xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để đề xuất và triển khai các giải pháp quản lý thu hiệu quả.

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ kê khai thuế, tập trung vào các tờ khai có dấu hiệu rủi ro. Kiên quyết xử lý các vi phạm kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với người vi phạm pháp luật. Quản lý chặt chẽ hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật. Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các hoạt động giao dịch liên kết, các giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Quyết liệt tổ chức thu nợ thuế, thực hiện phân loại các khoản nợ đầy đủ, đúng quy trình và đôn đốc thu phù hợp.

Ngọc Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận