![]() |
Doanh nghiệp cung cấp thông tin cơ bản về hàng hóa sản xuất |
Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trước thực tế nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày càng cao, buộc DN cung ứng hàng hóa, nhà cung cấp dịch vụ phải biết tôn trọng khách hàng và thỏa mãn nhu cầu đó. Do vậy, DN cần có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản như: Nhãn hàng hóa; niêm yết giá công khai; cảnh báo cho khách hàng biết những sản phẩm không đạt yêu cầu về độ an toàn hay không đảm bảo vệ sinh thực phẩm đang hiện hữu trên thị trường; cung cấp hướng dẫn sử dụng, bảo hành hàng hóa, dịch vụ; thông báo về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Cùng với đó là trách nhiệm của DN đối với người tiêu dùng phải được thực hiện và đảm bảo trên các phương diện, đó là: Bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khiếm khuyết gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khiếm khuyết. Việc bồi thường thiệt hại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Tuy nhiên, dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết, xuất xứ hàng hóa là một trong 3 nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hoa quả, thực phẩm chức năng có nguồn gốc Trung Quốc nhưng ghi xuất xứ Úc, Mỹ, Nhật... chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, Luật An toàn thực phẩm quy định, đối với một số thực phẩm biến đổi gen, phải ghi cụm từ "thực phẩm biến đổi gen" nhưng qua khảo sát, đã xuất hiện một số loại thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng biến đổi gen nhưng trên nhãn không ghi. Đáng lo ngại hơn, kết quả điều tra cho thấy, hầu hết mẫu thức ăn chăn nuôi trên thị trường được nhập khẩu đều chứa sản phẩm biến đổi gen, cụ thể là ngô và đậu tương chuyển gen mà trên nhãn không ghi.
Đặc biệt là vấn đề bồi thường thiệt hại. Đây là một trong 8 quyền của người tiêu dùng, nhưng để đòi lại được quyền lợi rất gian nan. Ông Hùng dẫn chứng, sau thương lượng không thành, phải mất 2 năm kiên trì, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre mới giúp được người tiêu dùng thắng kiện trong vụ 190 người tiêu dùng bị ngộ độc do ăn bánh mỳ kẹp thịt. "Dù mất thời gian vẫn còn hơn không, bởi trên thực tế, đã có những người tiêu dùng theo đuổi vụ kiện mấy năm trời nhưng vẫn bị thua kiện" - ông Hùng cho biết.
Luật An toàn thực phẩm và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều đã được Quốc hội khóa XII thông qua vào cùng năm 2010 và có hiệu lực vào ngày 1/7/2011, tính đến nay đã thực thi được tròn 8 năm. Chính vì còn nhiều bất cập trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng, đã có thể tiến hành tổng kết, đánh giá, nếu cần thiết thì bổ sung, sửa đổi phù hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải đề cao trách nhiệm xã hội và ý thức chấp hành pháp luật; cần coi việc kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như là một tội ác. |