Nghiên cứu chế tạo hệ gel polymer cho đóng giếng tạm thời

Hệ gel polymer được sử dụng nhiều trong công tác xử lý giếng, có tác dụng trám kín các kênh dẫn và các lỗ bắn vỉa, đóng giếng cách ly vỉa sản xuất, đồng thời ngăn chặn dung dịch xâm nhập từ giếng vào vỉa chứa. Giải pháp công nghệ này giúp kiểm soát giếng khoan có áp suất vỉa thấp; đồng thời nâng thả các thiết bị, ống khai thác, cần khoan với tốc độ lớn.
\"\"
Ảnh minh họa

Với những tính năng ưu việt đó, hệ gel polymer rất cần cho ngành Dầu khí Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Dầu khí Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” và Đại học Mỏ - Địa chất đã tiến hành nghiên cứu chế tạo hệ gel polymer sử dụng cho đóng giếng tạm thời trong công tác sửa chữa giếng khai thác có áp suất thấp không ổn định.

Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã lựa chọn guar gum biến tính - loại polymer có khả năng phân hủy sinh học để chế tạo hệ gel polymer đóng giếng tạm thời. Lựa chọn tác nhân liên kết cấu thích hợp là phức chất zicon sodium lactate có hóa trị 4-Zr (IV), tạo liên kết không gian với phân tử polymer guar gum tại các vị trí cis-hydroxyl, mật độ liên kết thích hợp tạo gel tương đối bền ở điều kiện nhiệt độ phòng và nhiệt độ cao trong thời gian sửa giếng. Lựa chọn tác nhân triethanolamine thích hợp làm chậm thời gian tạo gel của hệ polymer GG-Zr(IV) từ 30-240 phút với nồng độ 0,3-0,9%.

Nhóm cũng tiến hành khảo sát hệ gel trong môi trường nước muối Nacl 4% (nước biển). Kết quả, thời gian tạo gel khi hàm lượng triethanolamine từ 0,3-0,9% là khoảng 25-130 phút, nhanh hơn so với trong môi trường nước kỹ thuật. Đồng thời, lựa chọn tác nhân phá gel của hệ GG-Zr(IV)-TEA là ammonium persulfate (APS) có đặc tính: thời gian phá gel tăng khi nhiệt độ tăng; thời gian phá gel đạt 120 phút ở nồng độ APS 0,3-0,4%.

Sau khi nghiên cứu, khảo sát, nhóm tiến hành chế tạo hệ gel polymer GG-Zr(IV) cho đóng giếng tạm thời. Hệ gel polymer chế tạo đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Kết quả thử nghiệm hệ gel polymer chế tạo ở nhiệt độ phòng và nhiệt độ 450C trên mẫu lõi xốp cho thấy: Khả năng bơm ép mẫu dễ dàng vào không gian xốp của mẫu cát kết; có khả năng tạo gel trong không gian xốp của mẫu cát kết của giếng 507 RC; xác định được đường đặc tính áp suất thay đổi theo thời gian tạo gel của gel polymer trong không gian của mẫu xốp cát kết; nghiên cứu phục hồi độ thấm của mẫu xốp sau khi phá gel bằng APS lưu trong thời gian tạo gel 15 ngày, đạt 97,4%.

Hồng Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận