Nghệ An tăng cường thương mại vùng biên

Thời gian qua, hoạt động thương mại trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn, nhất là sức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân và thương nhân biên giới, chợ biên giới Việt Nam - Lào, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển thương mại trên địa bàn.
\"\"
Hàng hóa qua cửa khẩu Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An

Các hoạt động thương mại biên giới giảm sút, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực cạnh tranh về xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh vào thị trường Lào, Thái Lan còn hạn chế. Hàng nhập khẩu qua cửa khẩu về Nghệ An chủ yếu là gỗ nhưng lại gặp khó khăn do Chính phủ Lào ban hành chỉ thị về tăng cường nghiêm ngặt quản lý và kiểm tra việc khai thác và vận chuyển, kinh doanh gỗ. Mặt khác, hàng hóa Việt Nam tại thị trường Lào khả năng cạnh tranh thấp, giá cả một số mặt hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp giảm.

Khó khăn và vướng mắc cho cả các cơ quan quản lý và doanh nghiệp từ sau khi triển khai thực hiện Thông tư 52/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương. Về phía Lào, ngày 13/5/2016 đã ban hành Chỉ thị 15 về việc tăng cường nghiêm ngặt quản lý và kiểm tra việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh gỗ. Theo đó kể từ ngày 13/5/2016 chấm dứt việc xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ tấm hoặc rễ cây, thân cây, cành cây, u gỗ, cây sống hoặc cây dùng để làm vật trang trí được khai thác từ rừng tự nhiên xuất khẩu ra nước ngoài trong mọi trường hợp, kể cả đối với trường hợp Chính phủ đã phê duyệt từ trước nhưng chưa thực hiện. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sụt giảm kim ngạch nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào do gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm hàng luôn chiếm tỷ trọng cao trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu.  

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và thương mại khu vực cửa khẩu biên giới, đặc biệt các chợ biên giới thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức trong việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây mới. Nguyên nhân chủ yếu là do cả hai bên đều có nhiều hạn chế về nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương. Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép vẫn xảy ra nhưng chủ yếu đối tượng là các lái xe vận chuyển hàng hóa, hành khách xuất nhập cảnh với thủ đoạn gia cố hầm hàng, ghế ngồi của phương tiện để cất giấu hàng lậu, chủ yếu là pháo nổ các loại, chất nổ, gỗ với khối lượng không lớn. Tình hình bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua cửa khẩu, biên giới diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường khiến cho việc phát hiện, bắt giữ còn gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào đạt 79,37 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 47,19 triệu USD, tăng 2,24% so với năm 2015. Cơ cấu hàng xuất khẩu sang Lào chủ yếu là: vật liệu xây dựng, thiết bị, dây điện, cáp điện, hàng thủy sản,...; kim ngạch nhập khẩu đạt 32,18 triệu USD, giảm 56,9% so với năm 2015. Cơ cấu hàng nhập khẩu từ thị trường Lào vẫn tập trung vào những nhóm mặt hàng chính là: gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng rau quả, quặng... Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu (vật liệu xây dựng, xăng, dầu...) chủ yếu đi qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, việc nhập khẩu hàng hóa (đối với mặt hàng gỗ) được thực hiện qua các cửa khẩu: Thanh Thủy - Thanh Chương; Thông Thụ - Quế Phong; Tam Hợp - Tương Dương; Cao Vều - Anh Sơn và 4 lối mở: Buộc Mú, Keng Đu, Mỹ Lý, Tha Đo thuộc huyện Kỳ Sơn.

Một lý do khiến việc lưu thông hàng hóa khó khăn đó là tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chủ yếu đóng tại địa bàn các huyện biên giới, miền núi, rẻo cao; mật độ dân cư, trình độ dân trí thấp; kinh tế chưa phát triển; giao thông đi lại khó khăn; cách trung tâm các huyện và TP. Vinh khá xa, chẳng hạn như: Cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) cách trung tâm huyện 50km và cách TP. Vinh gần 100km; Cửa khẩu Tam Hợp (Tương Dương) cách trung tâm huyện 60km, Cửa khẩu Thông Thụ (Quế Phong) cách trung tâm huyện 40km...; Lối mở Keng Đu (Kỳ Sơn) cách trung tâm huyện đến 76km.

Để hoạt động thương mại biên giới diễn ra an toàn, hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu và trao đổi, mua bán của cư dân biên giới. Áp dụng có hiệu quả hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia. VNACCS/VCIS trong việc thực hiện quy trình thủ tục hải quan và quản lý, giám sát, kiểm soát hải quan. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ thuộc địa bàn nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2016 - 2020 của các bộ, ngành chức năng. Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho thương nhân phát triển sản xuất kinh doanh, tổ chức mạng lưới thu mua sản phẩm hàng hóa, bán hàng phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân vùng biên giới.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin về lĩnh vực đầu tư, lao động, chính sách ưu đãi, quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại du lịch đối với các tỉnh biên giới của nước bạn Lào. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh sản xuất tại tỉnh Khăm Muộn và các tỉnh lân cận của Lào. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tâng dịch vụ thương mại tại các xã biên giới...            

Hoàng Trinh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận