Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - khẳng định: Bước sang năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh cơ bản sẽ được kiểm soát, tạo tiền đề để ổn định lại nền kinh tế trong nước, từng bước khôi phục, gắn kết tình trạng đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào và đầu ra của sản xuất kinh doanh. Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An từ đó được khởi sắc, từng bước ổn định và phát triển; Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2021-2025. Do đó, năm 2021, ngành công thương sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.
![]() |
Theo đó, Sở tập trung bám sát mục tiêu đề ra, bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, lắng nghe doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng trọng yếu, hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng truyền tải điện, hệ thống hạ tầng thương mại... nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Thời gian tới, tập trung công tác hỗ trợ DN thực hiện kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường trong nước. Kịp thời tham mưu, triển khai các giải pháp bình ổn thị trường; triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao, giảm dần xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế. Chủ động phối hợp tăng cường, đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại; thực hiện có hiệu quả các hoạt động kết kết cung cầu khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, các đơn vị trong toàn ngành cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chủ trương, định hướng lớn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách để thực hiện thực chất, có hiệu quả các đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong những năm tới đây trên tinh thần quyết tâm cao hơn.
Ông Lê Đức Ánh cũng cho rằng, các đơn vị phải lấy phát triển của DN làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành Công Thương; lấy hiệu quả và sự hài lòng của DN và người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu.
Cùng với đó, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tăng cường phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hướng đến phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số, nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, quyết liệt hành động phục vụ người dân và DN.
![]() |
Trong năm 2020, các chỉ tiêu, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu và tổng mức lưu chuyển hàng hóa vẫn tăng trưởng dương so với năm 2019 |
Đại dịch Covid-19 gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới nguồn cung lao động; kinh tế khủng hoảng, đầu tư, việc làm, thu nhập của người lao động giảm sút: Các biện pháp giãn cách xã hội tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tại các quốc gia, đặc biệt là đối với các ngành dịch vụ và bán lẻ… dẫn đến thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn, chuyên gia, lao động nước ngoài không nhập cảnh làm việc được theo kế hoạch… dẫn đến tiến độ đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh đình trệ…
Chính vì vậy năm 2020 các chỉ tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu và tổng mức lưu chuyển hàng hóa mặc dù tăng trưởng so với năm 2019, nhưng vẫn không đạt kế hoạch đề ra.
Kết thúc năm 2020, Nghệ An đã xuất khẩu được 1.120 triệu USD, giảm 2,18% năm 2019, đạt 93,33% kế hoạch; trong đó xuất khẩu hàng hóa ước đạt 810 triệu USD, tăng 2% so năm 2019, đạt 95,3% kế hoạch.
Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,36% so với năm 2019; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,82% tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời với những tác động của dịch Covid-19 đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân.
Sở Công Thương cũng bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa; kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao trật tự thị trường được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong các giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai xảy ra trên địa bàn. Các chương trình kết nối cung cầu, thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường phục vụ phòng chống dịch Covid-19, dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu năm 2020; triển khai thực hiện kế hoạch thương mại điện tử năm 2020, quản trị, nâng cấp, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An; xây dựng và đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phê duyệt các đề án phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2021. Thực hiện nhiệm vụ cấp C/O cho các DN khu vực Nghệ An, năm 2020 đã cấp được 6.300 bộ C/O, tăng 24,2% so với năm 2019.
Cùng với đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai Chính phủ điện tử được Sở Công Thương kiên trì thực hiện, thúc đẩy triển khai và đi vào chiều sâu.
Dịp này, Sở Công Thương được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh Nghệ An; 1 cá nhân được nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 1 tập thể và 5 cá nhân được tặng băng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Tại hội nghị cũng đã trao 5 sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho các đơn vị có sản phẩm đạt giải sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc. |