Nghệ An: Khó khăn trong giải quyết hồ sơ đối với người có công

Nhiều năm qua, Nghệ An luôn quan tâm đến công tác giải quyết chính sách cho người có công. Thế nhưng, những khó khăn trong việc xét duyệt hồ sơ người có công với cách mạng vẫn gặp nhiều phiền toái, có khá nhiều hồ sơ tồn đọng chưa được giải quyết.
\"\"
Ban chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đang rà soát lại những hồ sơ xin hưởng chế độ

Dẫn chúng tôi tới thăm ngôi nhà nhỏ của người lính già Võ Minh Thanh nằm phía cuối con đường ở xóm Chùa 2, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, ông Võ Văn Gưn - một đồng đội của ông Thanh khi: “Hoàn cảnh của ông Thanh buồn lắm, sinh con ra thì hai đứa mất sớm vì bị ung thư, ảnh hưởng của chất độc da cam. Một người con trai bị tật nguyền, cháu nội do ảnh hưởng từ ông cũng bị tật nguyền bẩm sinh, mất ngay khi vừa chào đời. Người lính già Võ Minh Thanh đã có nhiều năm tham gia chiến trường, trong đó khốc liệt nhất là 9 năm chiến đấu ở Cam Lộ,  Gio Linh, Quảng Trị. Sau khi đất nước hòa bình, ông Thanh phục viên về quê mang trên mình những thương tật do ảnh hưởng của đạn bom trong chiếu đấu. Đặc biệt, ảnh hưởng của chất độc màu da cam đã đeo đẳng đến cả đời con, đời cháu\".

Với hoàn cảnh đặc biệt này, từ khi Nhà nước có chủ trương chi trả chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc, ông là trường hợp đầu tiên của xã Nghi Thiết được hưởng. Từ năm 2004, ông bắt đầu làm hồ sơ để xin hưởng chính sách thương, bệnh binh bởi hiện ông có ba vết thương ở tay, ngực và đầu. Ông cũng làm hồ sơ để xin cho cậu con trai bị tật được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam. Tuy vậy, nhiều năm trôi qua vẫn chưa thực hiện được. Bản thân ông vì tuổi đã cao, sức yếu, đơn vị cũ lại ở xa nên việc đi lại để hỏi thủ tục cũng gặp khó khăn. Mọi hy vọng ông cậy nhờ vào người cháu ở Hà Nội viết đơn lên các cơ quan chức năng để xin giải quyết.

Cũng theo tổng hợp của Ban chính sách tỉnh Nghệ An, từ năm 2013 đến nay, sau khi Thông tư số 28 có hiệu lực, đơn vị đã nhận được 1.121 hồ sơ đăng ký xin được xác nhận là thương, bệnh binh nhưng mới có 3 hồ sơ đã hoàn thành các thủ tục và đi giám định. Số còn lại, hiện đã có 146 hồ sơ đã chuyển ra Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) để chờ giám định, khoảng 100 hồ sơ hoàn chỉnh ở tỉnh và đang chờ xét duyệt. Riêng số hồ sơ bị trả lại hoặc yêu cầu bổ sung lên đến hơn 800 trường hợp.

Theo trung tá Nguyễn Trọng Ngân, Phụ trách Ban chính sách: “Hiện nhu cầu xin xác nhận hồ sơ rất nhiều nhưng số hồ sơ đủ các điều kiện theo quy định rất ít. Đa phần trong đó là thiếu hồ sơ gốc lưu quá trình bị thương, đơn vị công tác không còn nên không tìm được hồ sơ, mất giấy tờ do thiên tai, hỏa hoạn… Bên cạnh đó, khá nhiều trường hợp giấy tờ không khớp nhau, thiếu căn cứ để xác minh tính chính xác. Về phía người dân, nhiều người dân do không nắm rõ các quy định và các văn bản của nhà nước nên chưa làm hồ sơ theo đúng quy trình hoặc xin được hưởng các chế độ khi không nằm trong các đối tượng được xét duyệt…”.

Quá trình xác nhận thủ tục thương bệnh binh theo Thông tư 28 cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe hơn so với trước. Đó là nếu như trước đây, việc giải quyết chế độ là do quân khu thực hiện nhưng hiện tại đều phải chuyển ra cho Tổng cục Chính trị xem xét. Hơn thế, quy định mới cũng yêu cầu tất cả các trường hợp trước khi được đi giám định thương tật phải giám định kỹ thuật hồ sơ gốc đề tránh tình trạng hồ sơ giả.

\"\"
Ông Võ Minh Thanh và giấy tờ còn lại sau cuộc chiến tranh

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 77.000 đối tượng người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công. Trong số đó, nhiều nhất là các đối tượng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh. Tiếp đó là người và con đẻ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, những người bị địch bắt tù đày. 

Công tác thực hiện chính sách còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc rà soát, xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện. Cụ thể, Nghệ An vẫn đang còn khoảng 600 liệt sỹ mặc dù đã được công nhận nhưng chưa được giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng vì không có giấy tờ gốc, không có căn cứ để xác minh. Bên cạnh đó, còn 115 mẹ đã đề nghị phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng chưa được phong tặng, truy tặng. Còn gần 300 trường hợp xin xác nhận được hưởng chế độ do bị nhiễm chất độc da cam nhưng chưa được giải quyết và còn hàng nghìn hồ sơ của các đối tượng TNXP, dân công hỏa tiến chưa được nhận trợ cấp một lần.

Tại huyện Yên Thành, một trong những địa phương có số hồ sơ đang tồn đọng khá nhiều, ông Phạm Xuân Tuyết, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Việc giải quyết chế độ cho các hồ sơ đang tồn đọng gặp khá nhiều và việc giải quyết gặp khó khăn bởi các trường hợp đều hy sinh đã lâu, không còn lưu giữ được hồ sơ gốc. Hơn thế, người dân chưa nắm rõ các thủ tục nên các trường hợp phải làm lại hoặc bổ sung khá nhiều…”.

Thực tế trên cho thấy, để xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách đang cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi phải thực hiện chính xác, nghiêm túc nên quá trình thực hiện cần phải cẩn trọng, khách quan, đúng việc, đúng đối tượng. Người dân cũng mong muốn, trong quá trình thực hiện, cán bộ chính sách các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác phổ biến chính sách, hướng dẫn cụ thể và làm việc thấu đáo để việc thực hiện được dễ dàng, thuận lợi theo đúng các quy định đã đề ra.

Hoàng Trinh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận