Cung vượt cầu
Thời điểm này, tại thị xã Thái Hoà, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), người dân trồng nghệ đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá thu mua giảm mạnh, lượng tồn kho lên đến hàng trăm tấn, không có đầu ra.
![]() |
Hàng trăm tấn tinh bột nghệ bị tồn kho đã khiến nông dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn |
Nhiều năm trở lại đây, cây nghệ được coi là cây chủ lực của Thái Hoà, sau mật ong Tây Hiếu, bưởi hồng Quang Tiến. Sản phẩm nghệ sau chế biến nghệ củ bao gồm tinh bột nghệ dạng rời, tinh bột nghệ dạng viên nén... Bà Phạm Thị Kim Hiên - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) tinh bột nghệ Miền Tây xứ Nghệ - cho biết, năm 2018 sản phẩm tinh bột nghệ dạng rời và dạng viên nén đã được giới thiệu khắp nơi, tại hội chợ ONTOP Quảng Ninh; hội chợ nông sản xanh và các HTX, làng nghề do Sở Công Thương và Liên minh HTX tỉnh Nghệ An tổ chức; ký kết tiêu thụ sản phẩm với Liên hiệp HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn Nghệ An; quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh thông tin...
Nhờ sản xuất theo chuỗi, khép kín từ vùng nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, sản phẩm tinh bột nghệ dạng viên nén của HTX đã được hai khách hàng ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh khảo sát để đưa sang tiêu thụ ở thị trường Ấn Độ và Singapore.
"Có thời điểm chỉ trong trong 3 tháng HTX đã thu mua 450 tấn nghệ củ cho bà con. Số lượng tinh bột nghệ thành phẩm sản xuất ra đạt 26 tấn, tinh bột nghệ dạng viên là 1,5 tấn với tổng doanh thu lên cả tỷ đồng…", bà Hiên chia sẻ.
Thế nhưng, 2 năm trở lại đây một phần do tình hình dịch bệnh, một phần do có quá nhiều nơi trồng và chế biến nghệ nên tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Không những ở TX Thái Hoà, mà nông dân các địa phương khác cũng đổ xô trồng nghệ từ đầu năm 2018. Như huyện Yên Thành hiện có khoảng 50ha nghệ, huyện Quỳnh Lưu, huyện Nghĩa Đàn… cũng trồng khá nhiều.
Theo Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, địa phương có nhiều thuận lợi để trồng nghệ như ở vùng đất ven đồi. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh ước khoảng 500 - 700 ha trồng nghệ. Do bà con trồng tự phát, tỉnh lại không có quy hoạch diện tích trồng, cùng với trước đây nghệ củ được thu mua với giá cao để chế biến thành tinh bột nghệ, nên bà con nông dân đua nhau trồng. Nhiều nơi bà con sử dụng đất đồi, kể cả tận dụng đất vườn nhà để trồng dẫn đến tình trạng ế thừa, “cung" vượt quá "cầu”.
Nông dân - Doanh nghiệp gặp khó
Sản phẩm không tiêu thụ được, ùn ứ tại các kho của các HTX, doanh nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Nếu các doanh nghiệp, HTX không tiếp tục thu mua nguyên liệu thì bà con không biết mang đi đâu bán, còn doanh nghiệp tiếp tục mua để chế biến thì chỉ còn cách “đắp chiếu” sản phẩm trong kho dẫn đến không có tiền thanh toán cho người dân. Trong khi bà con chỉ trông chờ tiền bán tinh nghệ trang trải cuộc sống hàng ngày.
![]() |
Tinh bột nghệ thành phẩm tồn kho hàng chục tấn |
Chị Nguyễn Thị Vân (29 tuổi), thành viên HTX tinh bột nghệ Miền Tây xứ Nghệ lo âu, “bà con ở đây đang lo lắng vì sản phẩm không tiêu thụ được. Chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào tiền bán tinh nghệ. Mong tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người dân, các doanh nghiệp sớm tìm được giải pháp tiêu thụ để người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với cây nghệ. Gia đình làm nghề đã 4-5 năm, nhưng giá tinh bột nghệ chưa năm nào xuống chạm đáy như năm nay…”.
Là HTX thu mua chế biến nghệ lớn nhất ở TX Thái Hoà, bà Phạm Thị Kim Hiên - Giám đốc HTX tinh bột nghệ Miền Tây xứ Nghệ, cũng đang loay hoay tìm đầu ra. Bà băn khoăn: “Hai năm trở lại đây, dịch bệnh kéo dài, nên sản phẩm ùn ứ rất nhiều, xuất tiểu ngạch cũng khó khăn. Trên địa bàn thị xã Thái Hoà có hàng trăm hộ nông dân làm nghề sản xuất tinh bột nghệ, sản lượng hơn 200 tấn tinh bột nghệ thành phẩm mỗi mùa vụ. Nếu như thời điểm năm 2016, giá thành phẩm được bà con bán ra trung bình 500.000 đồng/1kg, có thời điểm lên đến hơn 1.000.000 đồng/1kg. Do được giá nên nhiều gia đình nơi đây đã chuyển nghề, đầu tư vào sản xuất tinh bột nghệ. Nhưng 2 năm trở lại đây, thương lái ít tìm mua, giá sản phẩm chỉ còn từ 200.000 - 300.000 đồng/1kg vẫn không tìm được đầu ra.
Bà Hiên cũng cho biết, khoảng 4-5 năm về trước, tinh bột Nghệ được ví như “vàng”, tạo ra nguồn thu nhập chính, giúp người dân tại thị xã Thái Hoà - tỉnh Nghệ An làm giàu, cải thiện cuộc sống thì 2 năm trở lại đây, người dân đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Hoá - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp Tây Bắc Nghệ An - cho rằng: “Việc tìm kiếm đầu ra cho tinh nghệ là rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Chính quyền thị xã cũng băn khoăn như chính người dân vậy. Chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ, hướng dẫn bà con trong công tác trau dồi kiến thức, kinh nghiệm về việc kinh doanh cũng như tìm đường xuất khẩu…”. Dịch bệnh phức tạp, việc xuất khẩu càng khó khăn hơn, trong khi thị trường nội tiêu thụ trầm lắng do việc giãn cách ở một số tỉnh thành. Để sớm khắc phục được tình trạng này, các doanh nghiệp, HTX cần tìm ra hướng đi riêng cho mình và chính quyền sớm có hướng tháo gỡ tìm đầu ra cho bà con.