Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 quy tụ chuyên gia hàng đầu

“Từ ngày 15-16/8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Bách khoa Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019, với định hướng hình thành và thúc đẩy hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết tại buổi Họp báo thường kỳ quý II/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ, diễn ra ngày 18/7.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh các hội thảo chuyên đề chia theo từng lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo trong du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ tài chính..; còn diễn ra các hội chợ, triển lãm ngoài trời về trí tuệ nhân tạo và có những trình diễn về cuộc đua số như xe không người lái, máy bay, cánh tay robot…

ngay hoi tri tue nhan tao viet nam 2019 quy tu chuyen gia hang dau
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chủ trì buổi họp báo

Qua đó, tạo cơ hội tiếp cận với những công nghệ mới nhất về trí tuệ nhân tạo; kết nối các doanh nghiệp và các nhà khoa học đang nghiên cứu và có sản phẩm về trí tuệ nhân tạo; phát triển cộng đồng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam; hình thành đội ngũ chuyên gia và phát triển mạng lưới tính toán hiệu năng cao về trí tuệ nhân tạo…

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết thêm, trong quý III/2019, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban vùng Đông Nam bộ 2019 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Mô hình tăng trưởng của doanh nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo; Hội nghị phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Techfest vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc; Techfest vùng Tây Nguyên; Techfest vùng đồng bằng sông Cửu Long; Techfest vùng Đông Nam bộ…

ngay hoi tri tue nhan tao viet nam 2019 quy tu chuyen gia hang dau

Trước đó, trong quý II/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia; thực hiện đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách để hạn chế nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu; phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt từ các doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;...

Đặc biệt, để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai phát hành văn bản điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ tới 95 cơ quan, đơn vị tham gia Trục liên thông văn bản quốc gia. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực, chủ động hội nhập thương mại quốc tế, là công cụ quan trọng để bảo đảm hoạt động quản lý theo chuẩn mực, công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tính đến ngày 5/6/2019, đã thẩm định 185 TCVN, công bố 40 TCVN do các bộ, ngành xây dựng; làm thủ tục đề nghị thành lập lại và thay đổi thành viên của 14 ban kỹ thuật và tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; tiếp nhận, thẩm tra các hồ sơ và tổ chức thẩm định 19 dự thảo QCVN của các bộ, ngành; góp ý 35 TCVN của các bộ, ngành; góp ý 20 QCVN của các bộ, ngành và 10 quy chuẩn địa phương của các địa phương. Hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được phê duyệt theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc.

Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận