Ngành Công Thương Vĩnh Phúc: Đảm bảo cung - cầu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2021

Gần 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để thiếu hàng, sốt giá, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Liệu giá thịt lợn có tăng cao dịp Tết Nguyên đán?[Infographic] Những đối tượng được hỗ trợ 1 triệu đồng dịp Tết Nguyên đán 2021Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu

Những tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi một phần thói quen, thị hiếu và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại lý bán hàng đều thận trọng trong việc lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, chỉ tăng khoảng 10 - 30% lượng hàng dự trữ so với dịp Tết năm ngoái. Thời điểm này, các doanh nghiệp, nhà phân phối, siêu thị, trung tâm mua sắm, các cửa hàng mua sắm tiện lợi và tiểu thương trong tỉnh đã bắt đầu chuẩn bị nguồn hàng hóa lớn, chủ động cung ứng cho thị trường.

Theo Sở Công Thương Vĩnh Phúc, để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng, tránh xảy ra tình trạng biến động cung cầu, thiếu hàng sốt giá... theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngay từ đầu tháng 12/2020, ngành Công Thương tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2021.

Đặc biệt, tỉnh quan tâm đến công tác đảm bảo nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa; chủ động, theo dõi tình hình giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, tổ chức theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các quy định của pháp luật về giá, phí, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đầy giá bán lên cao, gây bất ổn định thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu...

Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh cũng đề ra các giải pháp điều tiết lưu thông, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh; tích cực khai thác, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống tại địa phương. Bên cạnh đó, ngành Công Thương tỉnh cũng đẩy mạnh tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và tạo nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng thiết yếu phục vụ cho thị trường Tết.

Thời điểm dịp cận Tết, Sở cũng xây dựng kế hoạch để các doanh nghiệp phân phối thực phẩm trên địa bàn tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp thịt lợn cho thị trường và thực hiện giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. Các xã, phường, thị trấn bố trí địa điểm tổ chức các chợ hoa, các điểm bán hàng lưu động trong dịp Tết, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua, bán của nhân dân, nhưng phải bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Vĩnh Phúc phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, gán hàng, liên kết độc quyền, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ, tết để nâng giá, trục lợi bất chính. Xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là đối với sản xuất và kinh doanh pháo nổ, đồ chơi bạo lực trẻ em, hàng giả, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Xác định các siêu thị, trung tâm thương mại và các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ đón lượng khách hàng lớn trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, trên cơ sở kinh nghiệm của những năm trước và tình hình thực tế của năm nay, Sở yêu cầu các doanh nghiệp cần phân tích đánh giá, dự báo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và năng lực sản xuất kinh doanh của đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh để bảo đảm nhu cầu thị trường, nhất là hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết. Phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ với giá hợp lý, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp, triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm dẫn thị trường, tạo tâm lý ổn định cho thị trường các mặt hàng thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng, không sản xuất, kinh doanh những mặt hàng Nhà nước cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Nguồn hàng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2021 đã được các đơn vị, địa phương triển khai đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hoặc “sốt hàng”, giá cả tăng cao đột biến. Tuy nhiên, người dân cũng cần là những người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn các sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, tránh tâm lý tích trữ, lãng phí.

Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến đạt 51.701 tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2019, đạt 91,5% so với kế hoạch năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2019.
Thu Trang – Hoàng Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận