Ngành Công Thương TP. Hải Phòng: Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương!

“Năm 2019, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, các chỉ tiêu của ngành Công Thương đều tăng trưởng ở mức khá cao so với năm 2018, góp phần vào mức tăng trưởng chung của toàn thành phố” – Ông Tiêu Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng đánh giá về kết quả phát triển lĩnh vực Công Thương của TP. Hải Phòng trong năm qua tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020, diễn ra chiều 26/12.

Công nghiệp, thương mại tăng trưởng cao

Cụ thể theo ông Tiêu Văn Dũng, trong lĩnh vực công nghiệp, ngay từ đầu năm, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính Phủ, Bộ Công Thương và địa phương, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch bám sát tình hình thực tiễn, nhất là các doanh nghiệp (DN) công nghiệp trọng điểm; phối hợp với các Sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn đẩy mạnh phát triển sản xuất – kinh doanh.

nganh cong thuong tp hai phong dong gop quan trong vao tang truong kinh te dia phuong
Ông Tiêu Văn Dũng: Kết quả khả quan trong phát triển công nghiệp, thương mại, xuất – nhập khẩu năm 2019 là cơ sở quan trọng để ngành Công Thương TP. Hải Phòng đề ra và phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch trong năm 2020

Nhờ đó, kết thúc năm 2019, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của Thành phố tăng 24,2% so với năm 2018, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2019 ước đạt 394.949 tỷ đồng, tăng 26,35% so với năm 2018.

Đặc biệt, trong 52 nhóm ngành kinh tế cấp 4 có 33 ngành có chỉ số sản xuất tăng, trong đó, các ngành tăng có tốc độ tăng trưởng cao, như: sản xuất mô tơ, máy phát điện tăng 318,23%; sản xuất mô tô, xe máy điện tăng 194,84%; sản xuất thiết bị truyền thông ước tăng 71,04%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng ước tăng 23,92%, hay đóng tàu và cấu kiện nổi tăng ước tăng 14,8%;…

Trong khi đó lĩnh vực thương mại cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, trong đó các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân do các giải pháp đồng bộ, hiệu quả của Sở Công Thương và sự phối hợp của các Sở, ngành, DN. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt 135.338 tỷ đồng, tăng 14,95% so với năm 2018, đạt 100,9% kế hoạch năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 14,9%).

“Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố đứng vị trí thứ 2 trong khu vực miền Bắc, chỉ sau Hà Nội và ở vị trí thứ 5 cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương” – Ông Tiêu Văn Dũng nói và cho biết thêm, nếu phân theo ngành kinh tế thì chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành thương nghiệp, chiếm 77,64%, tiếp đó là ngành khách sạn, nhà hàng chiếm 15,49%, ngành dịch vụ và ngành du lịch lữ hành lần lượt chiếm tỷ trọng 6,71% và 0,16%.

Cũng nhờ nhóm các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý, bình ổn thị trưởng nên trong năm 2019, giá cả hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn nhìn chung tương đối ổn định. Việc tăng giá chủ yếu diễn ra mang tính thời điểm, dao động ở mức tăng 2 - 6%, thường vào các dịp lễ, Tết, rằm tháng 7, rằm trung thu, khai giảng.... tuy nhiên, không có ảnh hưởng tiêu cực đến mặt bằng giá chung cả năm.

Cùng đó, nhờ có những chương trình, kế hoạch từ nhiều năm và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong năm 2019, trong đó tập trung vào các dự án trọng điểm, nên hạ tầng thương mại tiếp tục hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm cảu người dân trên địa bàn thành phố. Theo đó trong năm, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, như: Đầu tư xây dựng chợ Tú Sơn, huyện Kiến Thụy; chợ Vàm Láng, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng… và hiện Công ty CP đầu tư Tây Bắc đang đề xuất đầu tư 12 dự án phát triển chợ, trung tâm thương mại, siêu thị gắn liền với khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn.

Một số siêu thị, như: Coopmart, Lan Chi cũng đã có kế hoạch mở rộng thêm địa điểm trong khi Liên hiệp hợp tác xã Việt Nam đề xuất UBND TP. Hải Phòng sớm thông qua các thủ tục đầu tư xây dựng các chợ trên địa bàn các quận, huyện: Lê Chân, Ngô Quyền, Dương Kinh, Thủy Nguyên, Kiến An…

Đặc biệt, dự án xây dựng Trung tâm thương mại Aeonmall tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục đầu tư xây dựng và chuỗi cửa hàng Vinmart+ tiếp tục được mở thêm, hiện đã có mặt tại 12/15 quận huyện với 103 cửa hàng đang hoạt động.

Xuất, nhập khẩu: Điểm sáng kinh tế Hải Phòng

Theo ông Tiêu Văn Dũng, bước vào thực hiện kế hoạch thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) năm 2019, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu (XK) trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành. Đồng thời phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương tổ chức các chương trình Hội thảo phổ biến kiến thức liên quan đến tận dụng lợi thế về xuất xứ hàng hóa để thúc đẩy XK.

Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên cập nhật thông tin đến cộng đồng DN, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực thương mại, XNK,... để DN tuân thủ, khai thác lợi thế của địa phương, đẩy mạnh hoạt động XK.

Do đó, kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch XK trên địa bàn đạt gần 16 tỷ USD, tăng trên 92% so với năm 2018, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 23%). Kết quả này đã đưa Hải Phòng lên vị trí thứ 4 trong khu vực miền Bắc, sau Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, và vị trí thứ 7 cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội.

Điều đáng quan tâm là cơ cấu ngành hàng XK đã có sự chuyển biến rõ nét theo hướng gia tăng các mặt hàng có giá trị kinh tế lớn, hàm lượng công nghệ cao, nhóm hàng điện, điện tử và máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng trên 40% kim ngạch XK toàn thành phố.

“Thị trường hàng hoá XK của Hải Phòng tiếp tục được duy trì và mở rộng trên 130 thị trường quốc gia và vùng lãnh thổ” – Ông Dũng đánh giá và nhấn mạnh, công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả. Theo đó, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thị phần XK tại các thị trường trọng điểm được khẳng định. Trong đó, châu Á vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các DN Hải Phòng (Hàn, Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN là những đối tác lớn của thành phố), tiếp theo châu Mỹ và châu Âu (trong đó thị trường EU, Mỹ, là những thị trường chiếm thị phần lớn) và châu Phi chỉ chiếm một phần nhỏ.

Trong năm qua, tình hình nhập khẩu (NK) hàng hoá phục vụ sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn cũng đạt kết quả khả quan. Cụ thể, tổng kim ngạch NK đạt trên 17,5 tỷ USD, tăng 120,59% so với năm 2018.

“Tư những kết quả rất khả quan trong một số chỉ tiêu phát triển công nghiệp, thương mại, XNK trong năm 2019, năm 2020, ngành Công Thương Hải Phòng đã đặt ra những mục tiêu cao hơn và quyết tâm ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2020 sẽ quyết liệt thực hiện, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng” – Ông Tiêu Văn Dũng nói và cho biết một số chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2020, như: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đạt 123%; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 495.008 tỷ đồng; Tổng km ngạch XK đạt 18,923 tỷ USD; Tổng kim ngạch NK đạt 20,362 tỷ USD; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 155.760 tỷ đồng…
Hoàng Châu
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận