Ngành Công Thương: Tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu năm 2016

Năm 2015, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Công Thương vẫn nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, “về đích” nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2015. Đây là tiền đề thực hiện những mục tiêu lớn trong năm 2016 cũng như giai đoạn 2016- 2020.
\"\"
Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao trong năm 2015

“Về đích” nhiều chỉ tiêu năm 2015

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Năm 2015 - năm cuối cùng thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2015. Dù trải qua không ít khó khăn nhưng nhìn chung, nhiều chỉ tiêu của ngành đã “về đích” đúng hạn.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đến 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cùng kỳ các năm gần đây, tăng 2 điểm phần trăm so với kế hoạch (7,8%). Kết quả sản xuất công nghiệp năm 2015 góp phần đưa giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011- 2015 tăng 7,2%, đạt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (tăng bình quân 7,2- 7,7%). Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn, đạt kết quả khả quan với kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng 8,1%. Đây là kết quả tăng trưởng cao trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương: Trung Quốc giảm 1,9%; Indonesia (giảm 13,3%); Thái Lan giảm 5%; Hồng Kông giảm 1,5%... Cơ cấu nhóm hàng XK chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030. Kết quả tăng trưởng năm 2015 giúp cả giai đoạn 2011- 2015, tổng kim ngạch XK bình quân cả nước tăng trưởng khá với 17,6%, cao hơn giai đoạn 2006 - 2010.

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2015 ước đạt khoảng 165 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014, tương đương với 17,8 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Nhập siêu năm 2015 ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% kim ngạch XK.

Đặc biệt, hội nhập kinh tế quốc tế được coi là “điểm sáng” nhất trong bức tranh kinh tế 2015. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Năm 2015 được đánh giá là năm hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đạt được kết quả rất tích cực khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc; kết thúc đàm phán FTA với EU và TPP… Với kết quả này, Việt Nam có hiệp định thương mại tự do với 55 nền kinh tế, trong đó có 17/20 đối tác của G20 và 7/7 đối tác của G7… Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

6 giải pháp lớn trong năm 2016

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, năm 2016 các mục tiêu, chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương cao hơn nhiều so với năm 2015. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp cụ thể:

Trước hết, phải làm thế nào tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao chất lượng xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm kiếm mở rộng thị trường nhất là các thị trường XK.

Thứ ba, coi trọng và phát triển hơn nữa thị trường trong nước. Với hơn 90 triệu dân, đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng nhằm đảm bảo cung cầu không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời quan tâm tới thị trường từ các thành phố lớn đến nông thôn, miền núi, hải đảo. Đi cùng với nó là tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu để duy trì bảo hộ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tư, tiếp tục chương trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo quyết định của Chính phủ, kể cả các tập đoàn, tổng công ty, các sở công thương cũng phải làm tham mưu cho các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp, thương mại ở từng địa phương.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế về kinh tế sau khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Tới đây là giai đoạn thực thi các hiệp định thương mại tự do, vì vậy phải làm thế nào để triển khai tốt các hiệp định đã ký kết, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định mang lại, cũng như có những biện pháp ứng phó phù hợp với những thách thức và khó khăn.

Thứ sáu, tăng cường cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu, thị trường, hội nhập…

Để góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2016 tăng 6,7%, ngành Công Thương phấn đấu đạt mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9- 10% so với năm 2015; xuất nhập khẩu đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK duy trì ở mức dưới 5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 11,5- 12%.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Tận dụng tốt cơ hội từ FTA

Theo Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu xuất nhập khẩu giai đoạn 2016- 2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu (XK), tăng trưởng dưới 10% năm. Do đó, giải pháp điều hành trung và dài hạn XK giai đoạn tới là đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn hàng. Trong đó, đầu tư tăng năng lực sản xuất hàng công nghiệp, nông - lâm - thủy sản, chế biến có lợi thế XK; phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng cho hàng XK, đảm bảo hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan; phát triển thị trường, mở rộng, tiếp cận thị trường mới, tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Đặc biệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các FTA để tận dụng tốt cơ hội do FTA mang lại, góp phần đẩy mạnh XK, thu hút đầu tư. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): Hiện thực hóa lợi ích hội nhập bằng chính sách phù hợp

Hội nhập kinh tế quốc tế với phạm vi và mức độ ngày càng sâu, đa dạng sẽ hỗ trợ tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, giúp Việt Nam có lợi thế thúc đẩy XK và tăng cường thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc cùng một lúc mở cửa thị trường cho nhiều đối tác chắc chắn gây sức ép lớn về cạnh tranh cải cách hệ thống pháp luật và thực thi cam kết… Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2016 rất nặng nề. Do đó, cần chuẩn bị tiền đề vững chắc để thành công trong hội nhập kinh tế, đó chính là chủ trương nhất quán về cải cách kinh tế trong nước gắn với hội nhập kinh tế quốc tế; thống nhất giữa chính sách hội nhập kinh tế với định hướng chính sách phát triển, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, đặc biệt phù hợp với triết lý tăng trưởng mới - tăng trưởng dựa trên sức cạnh tranh vốn đang được Chính phủ xây dựng. Bên cạnh đó, hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo minh bạch và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; xem xét xây dựng chủ trương, chính sách lớn để thực hiện Hiệp định FTA thế hệ mới gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Lợi ích của hội nhập chỉ có thể được hiện thực hóa nếu chúng ta có các chính sách phù hợp, môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp trong nước phát triển và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản: Nâng cao chất lượng sản phẩm

Các yếu tố bất lợi của năm 2015 tiếp tục ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản, ít nhất trong nửa đầu năm 2016, Tuy nhiên,  cơ hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ được mở rộng hơn nhờ việc Việt Nam tham gia Cộng đồng Asean; đã và sắp ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu... Điển hình như thị trường Hàn Quốc, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh trong ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Malaysia.  Bên cạnh thuận lợi, việc tham gia các FTA và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)  cũng tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến vấn đề: Nguồn nguyên liệu không ổn định, chi phí sản xuất cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với thách thức về rào cản kỹ thuật; quy tắc xuất xứ cũng như chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài. Để nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp thủy sản phải nhanh nhạy với thị trường, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

\"\"
Thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2016 sẽ mở rộng hơn

Sở Công Thương Hà Nội: Ban hành cơ chế hỗ trợ lực lượng chống buôn lậu

Năm 2015, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 8.507 vụ, xử lý 8.020 vụ vi phạm, tổng thu ngân sách 113,85 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính 45,2 tỷ đồng. Kết quả này khẳng định việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh thương mại đã có hiệu quả nhất định. Lực lượng quản lý thị trường đã triệt phá được nhiều đường dây, ổ nhóm, đầu nậu vi phạm, đồng thời xử lý kịp thời, công khai đối với cá nhân có biểu hiện lợi dụng công vụ để sách nhiễu doanh nghiệp, người dân, “bảo kê” cho hoạt động phi pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2016, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thị trường, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị: Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chính phủ tiếp tục cho áp dụng cơ chế trích lại nguồn kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chức năng từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu sung quỹ nhà nước như trước đây được quy định tại Thông tư 59/2008/TT-BTC và Thông tư 51/2010/TT-BTC.

Hiệp hội Lương thực: Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Thời gian tới, trên cơ sở căn cứ nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất, hiệp hội xác định duy trì, củng cố phân khúc thị trường gạo trung bình và cấp thấp để khai thác lợi thế cạnh tranh sẵn có về giá thành sản xuất, cước vận chuyển rẻ, cụ thể là thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, về lâu dài, mở rộng thị trường gạo cao cấp nhằm đa dạng hóa nhu cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và giá trị gia tăng, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường gần, hiệu quả thấp và nhiều rủi ro; tận dụng lợi thế thuận lợi hóa thương mại với các nước trong khuôn khổ những hiệp định thương mại tự do.

Đặc biệt, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam với mục tiêu chính: Kiểm soát và bảo đảm chất lượng gạo; quảng bá hình ảnh gạo Việt Nam và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việc xây dựng thương hiệu gạo sẽ được dựa trên 3 tiêu chí cơ bản: Chất lượng gạo đáp ứng nhu cầu của thị trường gạo cao cấp, phát triển sản xuất và cung cấp theo nhu cầu; có khả năng cạnh tranh so với đối thủ tiềm năng. Trong quý I/2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ hoàn thành và ban hành kế hoạch hành động, tham gia xây dựng và nâng cấp chuỗi giá trị, định hướng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Tập đoàn Dệt may: Chủ động hội nhập

Ngay sau khi nội dung Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được công bố toàn văn, Hiệp hội Dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu sâu về hiệp định; tập trung phân tích, lựa chọn sản phẩm, thị trường trọng tâm để có thể nắm bắt cơ hội nhất. Từ nghiên cứu thị trường, tập đoàn đề ra chương tình hành động cho nhóm doanh nghiệp có sự tương thích cao; hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm với 2 chương trình quan trọng: Đầu tư bổ sung hoàn thiện chuỗi và xúc tiến mở rộng thị trường.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các doanh nghiệp nhận thức được thách thức, khó khăn cần vượt qua. Do đó, doanh nghiệp sẽ liên kết cung ứng theo nguyên tắc thị trường từ sợi - vải- đến khâu may; tiếp tục nâng cao năng suất lao động, chất lượng nhân lực, đầu tư và thu hút đầu tư cho ngành sản xuất nguyên liệu… Mục tiêu chiến lược: Khẳng định Việt Nam là quốc gia có khả năng cung cấp giải pháp trọn gói từ thiết kế đến tất cả các khâu trong quá trình sản xuất.

Tập đoàn Dầu khí: 7 giải pháp ứng phó với giá dầu giảm

Năm 2016, tiếp tục là năm hết sức khó khăn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do giá dầu dự báo thấp hơn giá dầu kế hoạch. Theo tính toán, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu toàn tập đoàn giảm 5,4 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1,5 nghìn tỷ đồng.

\"\"
Ngành dầu khí chủ động cân đối hợp lý sản lượng khai thác

Để ứng phó với việc giảm giá dầu, PVN triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, PVN chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu thực hiện giải pháp: Thứ nhất, rà soát lại tổng thể chi phí từng mỏ, trong đó tiết kiệm tối đa chi phí vận hành và chi phí quản lý phân bổ; thứ hai, cân đối sản lượng và giá thành từng mỏ để điều chỉnh sản lượng từng mỏ trên nguyên tắc tối thiểu đảm bảo thu ngân sách nhà nước và bảo toàn vốn của PVN; thứ ba, tăng cường công tác quản trị rủi ro, phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thứ tư, củng cố và tăng cường dự báo thị trường để chủ động cân đối hợp lý sản lượng khai thác của từng mỏ so với giá thành trong từng thời điểm; thứ năm, duy trì thị trường dịch vụ dầu khí, đảm bảo việc làm cho người lao động phù hợp với tình hình thực tế vì mục tiêu lâu dài là duy trì công việc và phát triển mạnh khi giá dầu tăng trở lại; thứ sáu, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh công tác tiếp thị để mở rộng và phát triển thêm thị trường; thứ bảy, tiếp tục tập trung rà soát, tiết giảm thêm các loại chi phí từ 10-20% ở tập đoàn và đơn vị thành viên.

Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học công lập có quy mô đào tạo hàng đầu cả nước. Năm 2016 và những năm tiếp theo, nhằm phát huy tư duy sáng tạo, năng lực và kỹ năng người học, nhà trường đưa ra nhiều chương trình đào tạo. Đặc biệt, tập trung đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức ngoài nước về đào tạo và chuyển giao công nghệ. Việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hướng đến phục vụ cộng đồng doanh nghiệp cả nước, trước hết là khối doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, trong đó, chú trọng đến ngành nghề phù hợp với năng lực nghiên cứu của nhà trường như: Cơ khí, hóa chất, chế biến thực phẩm, may, điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng và năng lượng tái tạo.

TIN LIÊN QUAN
“Đoàn kết, phát huy thành quả, hoàn thành mục tiêu 2016”
Dương - Lan - Hà
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận