Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, trên địa bàn cả nước có 8.475 chợ, chủ yếu là chợ hạng 3 với 7.205 chợ, chiếm 85,0%. Đến hết tháng 6/2019, cả nước có 7.867/8.902 xã đạt tiêu chí số 7, chiếm 88,4% tổng số xã trên cả nước.
Nhìn chung, việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng thương mại thiết yếu theo tiêu chí NTM đã tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người nông dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng NTM, chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần đảm bảo tiêu chí thu nhập trong Chương trình xây dựng NTM.
![]() |
Chợ nông thôn được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi kinh doanh |
Chợ nông thôn tại một số địa phương đã được quy hoạch và quản lý nên dễ dàng xác định đầu tư. Các chợ đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo, tạo điều kiện mua - bán, trao đổi hàng hóa được dễ dàng hơn. Công tác quản lý hoạt động của chợ NTM ngày càng tốt hơn; việc tổ chức, sắp xếp các điểm kinh doanh khoa học, phù hợp dần với thiết kế xây dựng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, bảo đảm môi trường và giải quyết, xử lý các vấn đề đặt ra.
Hàng hóa vùng nông thôn đã từng bước phát triển và mở rộng, dồi dào, đa dạng về cơ cấu, chủng loại phong phú; quy cách, mẫu mã dần được cải tiến, chất lượng nâng cao, phù hợp về cơ bản với đòi hỏi của thị trường. Một số mặt hàng chiếm được vị thế quan trọng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như hạt tiêu, cà phê, hạt điều, cao su, chè…
Khắc phục những bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ Thị trường trong nước chỉ rõ, hoạt động thương mại nông thôn vẫn còn gặp nhiều ách tắc, bất cập. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ; hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... tăng nhanh nhưng phân bố không đều. Hầu hết các tỉnh, địa phương có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đa số chợ nông thôn đã được xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu thốn hạng mục thiết yếu, hoạt động không hiệu quả, không thu hút được đầu tư, xã hội hóa; trong khi nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phát triển cũng không đồng đều. Hiện, cả nước có khoảng 212 trung tâm thương mại, 1.007 siêu thị, song đa phần tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Đặc biệt, hệ thống trung tâm logistics mới được hình thành và phát triển chưa nhiều, với khoảng gần 50 trung tâm; chi phí logistics cao, tác động không nhỏ tới khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp…
Theo Bộ Công Thương, để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng thương mại nông thôn, các đơn vị cần tăng cường lồng ghép những chương trình, kế hoạch thuộc nhiệm vụ Bộ Công Thương (khuyến công quốc gia, xúc tiến thương mại quốc gia…), ưu tiên cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí về nâng cao thu nhập bình quân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn…
Bên cạnh đó, phát triển thương mại nông thôn phải gắn liền với việc xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Xây dựng mô hình gắn với phát triển chợ dân sinh, mạng lưới kinh doanh của các hợp tác xã thương mại với quy mô nhỏ và vừa. Cùng với đó, phát triển cấu trúc thương mại trên địa bàn các thị trấn, thị tứ, phát triển những loại hình tổ chức thương mại đặc thù, định hướng các loại hình thương mại chủ yếu.
Ngoài ra, phát triển thương mại nông thôn gắn liền với việc xây dựng và phát triển sản phẩm là tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của địa phương. Mỗi địa phương tùy theo điều kiện cụ thể về tiềm năng, lợi thế riêng đã lựa chọn những sản phẩm độc đáo xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ hình thành và phát triển sản xuất tập trung quy mô hàng hóa đối với nhóm sản phẩm đặc sản có lợi thế của huyện, xã trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn.
Các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020 để đề xuất, xây dựng và triển khai có hiệu quả. |