Chiến sự Nga - Ukraine ngày 2/11: Ông Putin xác nhận trả đũa UkraineChiến sự Nga - Ukraine 4/11: Nga sắp công bố bằng chứng Anh tham gia tấn công Hạm đội Biển Đen |
Duma Quốc gia Nga vừa đưa ra ý tưởng khá “độc và lạ” khi tính toán mua lại “phế phẩm” Varyag được Trung Quốc nâng cấp thành tàu sân bay Liêu Ninh, để tân trang lại Hạm đội Biển Đen.
![]() |
Trung Quốc không ngừng “khoe” sức mạnh tàu sân bay Liêu Ninh. |
Hải quân Trung Quốc hiện nay đã sở hữu 2 tàu sân bay là Liêu Ninh (CV-16) và Sơn Đông (CV-17), điều này đang dần làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cuối tháng 12/2022, Trung Quốc đã đưa tàu sân bay CV-16 đến huấn luyện ở vùng biển phía Tây đảo Guam, sau đó đã công bố nhiều hình ảnh “quảng bá” sức mạnh của CV-16 trong cuộc tập trận này, đồng thời nhấn mạnh, tàu sân bay CV-17 với tính năng vượt trội hơn sẽ là “át chủ bài” của Trung Quốc trong cạnh tranh quyền lực với Mỹ và Nhật Bản ở Thái Bình Dương.
Điều đáng chú ý là, khi nhóm tấn công tàu sân bay CV-16 của Trung Quốc hoạt động, Nga đã có một ý tưởng “độc và lạ”. Các thành viên của Duma Quốc gia Nga đã công khai kêu gọi mua lại tàu sân bay CV-16 của Trung Quốc.
Sở dĩ các thành viên Duma Nga gọi là mua lại là vì tiền thân của tàu CV-16 là tàu Varyag vốn thuộc Liên Xô và được Ukraine tiếp quản sau khi Liên Xô tan rã. Tàu Varyag đã không được hoàn thiện trong thời Liên Xô, cuối cùng được bán lại cho Trung Quốc và trở thành tàu sân bay Liêu Ninh. Trên thực tế, Liên Xô đang chế tạo hai tàu sân bay vào thời điểm đó, ngoài Varyag còn có Kuznetsov.
Tàu sân bay Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất của Nga, trong khi đó đến nay Trung Quốc có 2 tàu sân bay, tàu sân bay thứ 3 dự kiến mang tên Phúc Kiến (CV-18) cũng chuẩn bị ra mắt. Điều này không chỉ làm Nga cảm lấp “lép vế” mà còn phát đi tín hiệu báo động đối với Nga về sức mạnh Hải quân ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc.
![]() |
Tàu sân bay Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất của Nga |
Do vậy, các thành viên của Duma Quốc gia Nga đã đề ra các giải pháp để tổ chức lại Hạm đội Biển Đen, trong đó có ý tưởng “độc lạ” là mua lại tàu Liêu Ninh. Hạm đội Biển Đen của Nga thời gian qua đã chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến với Ukraine.
Tuy nhiên, Chính phủ Nga chưa bày tỏ quan điểm về việc mua lại tàu Liêu Ninh mà chỉ có lời của các thành viên Duma Quốc gia Nga. Hiện tại Nga đã mất đi “vinh quang Liên Xô” từ lâu, công nghiệp đóng tàu của nước này cũng không bằng Ấn Độ.
Ấn Độ có năng lực chế tạo tàu sân bay, Nga chỉ có thể chế tạo tàu chiến mặt nước cỡ lớn. Trong khi đó, tàu sân bay duy nhất của Nga Đô đốc Kuznetsov đang ở trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng và cần sửa chữa khẩn cấp.
Tàu sân bay Nga đang được sửa chữa tại Nhà máy sửa chữa tàu số 35 ở Murmansk. Theo tình báo quốc phòng Ukraine, Nga đã quyết định di chuyển con tàu từ ụ tàu đến một trong những bến tàu của nhà máy sửa chữa tàu để tiếp tục công việc sửa chữa.
Tuy nhiên, theo tình báo Ukraine, ngay cả ở giai đoạn chuẩn bị di chuyển, tàu sân bay Nga cũng không thể tự di chuyển. Đội sửa chữa cũng cố gắng di chuyển con tàu với sự trợ giúp của một số tàu kéo, nhưng vẫn không thể thực hiện được do tình trạng nguy cấp của thân tàu.
Các thợ sửa chữa được cho là đã cảnh báo quân đội Nga rằng tình trạng của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov không cho phép nó được hạ thủy do khả năng cao là sẽ bị chìm hoặc lật. Theo dữ liệu tình báo, hiện không có bất kỳ thông tin nào về thời hạn để hoàn thành việc sửa chữa tàu Đô đốc Kuznetsov và đưa nó trở lại hoạt động.
Những lỗi kỹ thuật trên phần lớn bắt nguồn từ sự suy thoái kinh tế thời hậu Xô Viết, dẫn đến thiếu kinh phí cho hoạt động bảo trì. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là kết quả không thể tránh khỏi của sự thiếu kinh nghiệm trong phát triển tàu sân bay.
Các nhà hoạch định quốc phòng Nga thường công bố các dự án đóng mới tàu sân bay như một phương tiện để xây dựng uy tín, chứ không phải là một phần của kế hoạch cụ thể. Trong nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2008-2012, Tổng thống Dmitry Medvedev từng tuyên bố Nga sẽ đóng mới và vận hành 6 tàu sân bay vào năm 2025. Rõ ràng điều đó đã không xảy ra khi chưa có dự án nào được khởi động.
Moscow cũng từng công bố kế hoạch đóng mới siêu tàu sân bay hạt nhân Project 23000E, lượng choán nước tới 100.000 tấn, sử dụng máy phóng điện từ và một loạt công nghệ hiện đại khác. Tiêm kích chủ lực của siêu hàng không mẫu hạm này là MiG-29K. Tuy nhiên, trong kế hoạch sản xuất quốc phòng 10 năm 2018-2027, được Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt không đề cập đến Project 23000E.