Tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2021, mặc dù chịu sự tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, song tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.491 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng - 5,5%).
![]() |
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 102.017 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 13,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,8%, trong đó công nghiệp chiếm 28,4%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,5%. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, dự kiến vượt dự toán. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 21.154 tỷ đồng, đạt 109,3% so với dự toán; trong đó ước thực hiện thu nội địa 17.519 tỷ đồng, đạt 109,5% so với dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.635 tỷ đồng, đạt 108,5% so với dự toán.
Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.042 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 8.960 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động 8.138 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 87.832 tỷ đồng. Cấp mới 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 14,71 triệu USD; nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh 193 dự án, với tổng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD.Tổng số lao động được tạo việc làm tăng thêm đạt 15.000/16.000 người, đạt 93,75% kế hoạch năm. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động động, doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19…
Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.491 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng -5,5%).Khu vực công nghiệp và xây dựng có sự phục hồi, sản xuất công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ (trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng 9,1%).Thương mại - dịch vụ chưa hồi phục, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 42,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ.
Năm 2022 là năm tỉnh Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021), 25 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2022), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XXII Đảng bộ tỉnh.
![]() |
Khu kinh tế mở Chu Lai- Quảng Nam |
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam sẽ chú trọng triển khai nhiều giải pháp để vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong các lĩnh vực. Trong đó, triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với quy định, định hướng của Trung ương.
Về phục hồi và phát triển kinh tế, đối với ngành công nghiệp; các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, ít sử dụng lao động; phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô để sớm hình thành Trung tâm công nghiệp cơ khí quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó có ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ cơ khí đa dụng, sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; bên cạnh đó là các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất. Các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường.
Về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đầu tư cho khu vực nông thôn và miền núi, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đây là những lĩnh vực trọng tâm, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hết sức quan tâm và có chiến lược dài hơn. Tuy nhiên, bước vào năm 2022 sẽ là năm làm thật, làm chắc, đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt. Qua đó tiếp tục giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế, yếu kém thời gian qua, đồng thời tiếp tục có những cơ chế, chính sách mới và ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển với mục tiêu thu hút khoảng cách giữa khu vực nông thôn với thành thị, giữa miền núi, vùng ven biển với đồng bằng, đô thị.